Xử 2 nguyên lãnh đạo Đà Nẵng: Tranh luận về giá bán nhà đất công sản
Chiều 7/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tiếp tục với phần tranh luận.
Một trong những nội dung được tập trung tranh luận là về phương thức, giá bán nhà đất công sản.
Liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” của các bị cáo trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm các bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng biết rõ các văn bản, quyết định do bị cáo Trần Văn Minh ký ban hành về một số chủ trương khai thác quỹ đất và bán nhà công sản, quy định cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất, chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất là trái quy định của pháp luật, nhưng vẫn tham mưu, đề xuất, thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của bị cáo Trần Văn Minh để làm các thủ tục pháp lý cho phép bán 22 nhà, đất công sản thuộc sở hữu Nhà nước trái quy định của pháp luật.
Tổng số tiền bị cáo Trần Văn Minh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 2.422 tỷ đồng.
Điển hình, tại nhà, đất số 36 Bạch Đằng, ngày 27/10/2006, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 7516/QĐ-UBND quy định giá khởi điểm để bán đấu giá nhà và chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà đất nói trên là 45 tỷ đồng.
Ngày 18/12/2006, Phan Văn Anh Vũ, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần xây dựng 79 đã ký Tờ trình gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Công ty Quản lý nhà đề nghị được mua lại nhà đất số 36 Bạch Đằng với giá đất kinh doanh (bằng 70% giá trị chuyển quyền hiện tại).
Ngày 1/2/2007, bị cáo Trần Văn Minh chỉ đạo Phan Xuân Ít (nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng) soạn thảo để ký Công văn có nội dung “Đồng ý bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất nêu trên cho Công ty cổ phần Xây dựng 79, giảm 20% trên tổng giá trị chuyển quyền sử dụng đất quy định tại Quyết định số 7516/QĐ-UBND ngày 27/10/2006 và được giảm 10% trên tổng giá trị tiền sử dụng đất phải nộp."
Từ chủ trương trên của Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ đã được nhận quyền sử dụng đất tại 36 Bạch Đằng. Trong 2 ngày, 7-8/5/2007, Phan Văn Anh Vũ đã chỉ đạo lập Ủy nhiệm chi chuyển thanh toán số tiền hơn 35 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Quản lý nhà và được giảm 10% tiền sử dụng đất.
Trong khi thực tế nhà, đất 36 Bạch Đằng tại thời điểm bị cáo Phan Văn Anh Vũ mua có giá trị là hơn 63 tỷ đồng.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo chỉ đạo của Phan Văn Anh Vũ, ngày 13/10/2011, Phan Minh Cương (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn I.V.C, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 79) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 36 Bạch Đằng.
Tại Kết luận giám định ngày 10/6/2019 của Giám định viên tư pháp Bộ Xây dựng và Kết luận giám định ngày 28/9/2018 của Giám định viên tư pháp Bộ Tài chính đã kết luận: Việc Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành các văn bản áp dụng quy trình, thủ tục xác định giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất tại số 36 Bạch Đằng là không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã lần lượt trình bày phần tự bào chữa của mình. Bị cáo Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng) cho biết sau khi nghe bản luận tội và mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với mình, bị cáo rất bàng hoàng vì không nghĩ mức án quá nặng như vậy, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét đến bối cảnh phát triển của thành phố Đà Nẵng để có những quyết định có tình, có lý.
Trình bày với Hội đồng xét xử về những áp lực trong thời kỳ làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và sau này là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, bị cáo Văn Hữu Chiến cho rằng bị cáo và nhiều bị cáo khác đã say sưa làm việc, từ xuất phát điểm là một thành phố nhỏ bé để hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước giao là phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị hiện đại hóa, công nghiệp hóa trước năm 2020.
Từ một thành phố quay lưng ra biển, đi ra biển rất khó, phải qua đầm lầy, sau 10 năm, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố vươn ra biển lớn, một thành phố du lịch...
Bị cáo Văn Hữu Chiến cũng băn khoăn về cách tính thiệt hại của cơ quan điều tra. Bị cáo cho rằng thời điểm xảy ra vụ án, nền kinh tế thế giới khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng, giá chỉ có vài triệu đồng một mét vuông.
Hiện giờ, giá nhà đất đã lên vài trăm triệu đồng. Việc cơ quan điều tra lấy giá trị hiện nay trừ đi giá của những năm 2004 để tính thiệt hại là không phù hợp.
Về nguyên nhân, động cơ thực hiện hành vi, bị cáo Văn Hữu Chiến khẳng định không hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào, bị cáo không quan hệ hay bàn bạc với bị cáo Phan Văn Anh Vũ mà chỉ thực hiện theo đúng quy trình, nhiệm vụ được phân công.
“Bị cáo chỉ là Phó Chủ tịch giúp việc, ký một số văn bản để hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí, bị cáo chưa ký thì bên dưới người mua đã trả tiền rồi, sau này cấp dưới mới dự thảo trình bị cáo ký," bị cáo Văn Hữu Chiến nói.
Tại một số nhà và dự án bị Viện Kiểm sát cáo buộc là có trách nhiệm liên quan, bị cáo Văn Hữu Chiến cho rằng bị cáo ký một số văn bản theo sự phân công để hoàn thành thủ tục, đúng quyết định của chủ tịch đã ban hành.
Vì vậy, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét công minh, đúng bản chất sự việc vì bị cáo đã chấp hành đúng quy định của pháp luật chứ không tùy tiện thực hiện, không bao giờ cố ý làm trái.
Tương tự bị cáo Văn Hữu Chiến, bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dânthành phố Đà Nẵng) cũng băn khoăn về cách tính thiệt hại trong vụ án. Bị cáo Trần Văn Minh cũng đề nghị Viện Kiểm sát xem xét khi cáo buộc các bị cáo trong vụ án vi phạm Nghị định 61.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng mình không phạm tội. Cụ thể, về tội danh “Vi phạm các quy định về quản lí đất đai," bị cáo cho rằng mình không có nhiệm vụ giao đất, thu hồi đất, chuyển đổi đất nên truy tố bị cáo tội danh này là hoàn toàn không phù hợp.
Còn đối với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bị cáo cho rằng mình không phải là đối tượng được Nhà nước giao quản lý nhà để vi phạm, làm thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ cũng cho rằng mình thành lập nhiều công ty là để kinh doanh bất động sản, để thực hiện được nhiều dự án, chứ không phải để thâu tóm bất động sản. Việc mua nhà, dự án là do phù hợp với điều kiện kinh tế của bị cáo, còn chuyển đổi tên hay giảm 10% tiền sử dụng đất là chủ trương chung của thành phố Đà Nẵng đối với tất cả người dân.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ mong Hội đồng xét xử công tâm, đúng người đúng tội, thượng tôn pháp luật, xem xét lời khai tại tòa của các bị cáo, xem xét lại tài liệu hồ sơ chứng cứ để tuyên cho bị cáo và các bị cáo một bản án có lý có tình, phù hợp với pháp luật.
Ngày 8/1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư với đại diện Viện Kiểm sát.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/