|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đầu tư dự án bất chấp các Nghị quyết của Chính phủ

10:18 | 22/04/2021
Chia sẻ
Sáng 22/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP HCM.
Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đầu tư dự án bất chấp các Nghị quyết của Chính phủ - Ảnh 1.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng (bên trái) đến tòa.

Hội đồng xét xử có 5 người gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. Hai kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao gồm: ông Nguyễn Đức Bằng, ông Nguyễn Minh Đồng (được biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) và kiểm sát viên Hoàng Thị Dung (Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đầu tư dự án bất chấp các Nghị quyết của Chính phủ - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Cùng bị đưa ra xét xử với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) còn có 9 bị cáo, gồm: Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (sinh năm 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Quang Minh (sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (sinh năm 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Lan Châu (sinh năm 1975, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Tám bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đầu tư dự án bất chấp các Nghị quyết của Chính phủ - Ảnh 3.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong số 10 bị cáo, bị cáo Nguyễn Hữu Tín có đơn xin được xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu, không thể di chuyển xa, có xác nhận của cơ quan y tế… Hội đồng xét xử đã chấp thuận đơn do xét thấy bị cáo Tín trước đó đã có lời khai tại cơ quan điều tra, nếu thấy cần thiết Hội đồng xét xử sẽ công bố lời khai này trước Tòa. Bị cáo Tín đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an) theo quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 522/2019/HSST ngày 31/12/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Với lý do sức khỏe yếu, bị cáo Vũ Huy Hoàng xin phép Hội đồng xét xử cho bị cáo được ngồi trình bày trong quá trình xét xử và xin được hỗ trợ chăm sóc y tế. Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc đề nghị này của bị cáo Hoàng trong quá trình xét xử.

Tại phiên tòa có mặt: đại diện Bộ Công Thương với tư cách là nguyên đơn dân sự; đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương; giám định viên của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải vắng mặt. Khoảng 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đầu tư dự án bất chấp các Nghị quyết của Chính phủ - Ảnh 4.

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có đơn xin xét xử vắng mặt. Trước đó, tại Cơ quan điều tra, Sabeco đã cung cấp lời khai, tài liệu, hồ sơ có liên quan đến vụ án và xin giữ nguyên những lời khai này trước Tòa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được giao quản lý khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghế, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đầu tư dự án bất chấp các Nghị quyết của Chính phủ - Ảnh 5.

Đại diện Viện Kiểm sát đọc bản cáo trạng các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Quá trình quản lý Sabeco, Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất này để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê". Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, hầu hết các bị cáo là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương và UBND Thành phố Hồ Chí Minh, có trình độ chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực công tác. Tuy nhiên vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Từ đó, chuyển dịch quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước với số tiền đặc biệt lớn là hơn 2.700 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh, từ năm 2011-2012, Chính phủ đã có các Nghị quyết yêu cầu các Bộ, ngành, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính… Khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, đơn vị này không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.236 tỷ đồng nhưng bị cáo Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các Nghị quyết của Chính phủ.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 tuần.

Kim Anh – Nguyễn Cúc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.