Xây dựng thương hiệu mặt hàng có thế mạnh để phát triển xuất khẩu những tháng cuối năm
Bộ Công Thương cho biết 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, tăng 28,4% (tăng 0,2% so với cùng kỳ 2020), tăng trưởng đồng đều ở hai nhóm hàng chính là nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, thủy sản.
Đà tăng trưởng này tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may và da giày có sự phục hồi rõ nét trở lại với mức tăng trưởng cao trên hai con số.
Đặc biệt, xuất khẩu sang EU hay sang các thị trường đối tác mới trong CPTPP tăng tích cực, chứng tỏ các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, để phát triển xuất khẩu bền vững trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1612, trong đó xác định các giải pháp nhằm phát triển xuất khẩu bền vững trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
Trước mắt, để phát triển xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, ngoài việc triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng không chỉ Bộ Công Thương mà các Bộ, ngành hữu quan cần tập trung xử lý tốt một số vấn đề ở các khu vực thị trường lớn, đặc biệt là với Mỹ, Trung Quốc, EU.
Ngoài ra, các địa phương cũng tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước.