|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng bãi xe ngầm tại Hà Nội: Loay hoay cơ chế

07:46 | 10/05/2019
Chia sẻ
Xây dựng điểm đỗ xe ngầm là chủ trương đúng đắn của Hà Nội, bởi các bãi xe hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, làm bãi xe ở đâu, hình thức nào, cách làm ra sao vẫn là bài toán mà Hà Nội đang loay hoay tìm lời giải.

Căng băng rôn phản đối dự án bãi đỗ xe

Ngày 8/5, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) chính thức công bố kết quả ý kiến nhân dân về việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm, kết hợp chức năng thương mại, khi lấy khoảng 14.500 m2, chiếm 15% diện tích đất Công viên Cầu Giấy. Ông Lê Minh Trí - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) phường Dịch Vọng - cho biết, phường này phát 2.200 phiếu lấy ý kiến dân cư ở 19 tổ dân phố về dự án bãi xe ngầm trong Công viên Cầu Giấy, sau đó thu về 1.983 phiếu (có 1.954 phiếu hợp lệ).

Theo tổng hợp của MTTQ phường Dịch Vọng, trong 1.954 phiếu hợp lệ, có khoảng 1.150 phiếu đồng thuận (chiếm khoảng 60% số phiếu) với việc bổ sung bãi đỗ xe ngầm, kết hợp dịch vụ thương mại trong Công viên Cầu Giấy.

Kết quả tổng hợp cũng cho thấy hơn 800 phiếu còn lại (chiếm khoảng 40%) không đồng ý xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Cầu Giấy và một số ý kiến đề nghị di chuyển bãi xe ngầm sang vị trí khác…

Ghi nhận thực tế của PV Tiền Phong ngày 9/5, trên nhiều ban công của tòa nhà N04-B1 và hàng chục ban công tòa nhà N10 Hà Đô gần công viên phủ kín băng rôn phản đối dự án bãi xe ngầm.

Ông Lê Phi Phụng, Phó Ban quản trị nhà N10 Hà Đô cho hay: “Thay mặt cho cư dân, chúng tôi không đồng tình với cách lấy ý kiến của UBND phường Dịch Vọng, cũng như kết quả của cuộc lấy ý kiến này”. Ông Phụng trưng ra một danh sách có chữ ký của gần 1.100 hộ dân phản đối xây dựng bãi xe tại Công viên Cầu Giấy. Riêng tòa nhà N10 đã có 230/341 hộ không đồng ý xây dựng bãi xe này.

Ông Phụng nói thêm, có dấu hiệu “pha loãng” phiếu để tránh sự phản đối quá nhiều. Đơn cử như họ phát phiếu cho những đơn vị rất xa công viên như 1 đơn vị ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy và cả làng quốc tế Thăng Long (cách công viên gần 2km). Trong khi những chung cư ở gần nhất thì không được phát đủ số phiếu khảo sát và khi phát phiếu cũng không có biên nhận.

Bà Thanh, cư dân tòa nhà N04-B1 cho biết thêm, Công ty Tây Hồ (chủ đầu tư) trước đó đã xin làm bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Trung Yên nhưng bị vài chục hộ dân phản đối nên chuyển sang Công viên Cầu Giấy. Nay có đến hơn 1.000 hộ dân phản đối sao chủ đầu tư vẫn kiên quyết làm, điều đó đặt ra câu hỏi về lợi ích?

Bảo vệ cây xanh là mục tiêu hàng đầu

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận cho Công ty CP đầu tư HimLamBC đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Vốn đầu tư của dự án gần 1.800 tỷ đồng. Diện tích đất xây dựng bãi đỗ xe ngầm là hơn 16.000 m2.

Trong đó, tầng hầm 1 có diện tích sàn xây dựng hơn 16.000 m2, chiều cao 5,4 m với chức năng chính là không gian thương mại, dịch vụ và gara đỗ xe, trong đó phần thương mại, dịch vụ, nhà hàng ẩm thực khoảng 12.500 m2, gara đỗ xe khoảng 1.800 m2. Tầng hầm 2, 3 có công năng giống nhau, gồm hơn 10.500m2 gara đỗ xe, 4.600m2 khu vực dịch vụ…

Tuy nhiên, dự án bãi xe kết hợp dịch vụ lại khiến dư luận lo ngại thêm một “lá phổi xanh” giữa trung tâm thành phố sẽ bị biến thành điểm đen ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, ùn tắc giao thông…

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, chủ trương thu hút đầu tư xây dựng bãi xe ngầm cho sự thiếu hụt các bãi xe hiện nay là chính đáng. Tuy nhiên, 7 dự án bãi xe ngầm ở Hà Nội hiện vẫn chưa thực hiện được chủ yếu do giải pháp kỹ thuật chưa đáp ứng được với yêu cầu.

Việc làm các bãi xe ngầm tại khu đất sẵn có là một thuận lợi cho chủ đầu tư, nhưng ở đây là giải pháp kỹ thuật. Làm sao để giải quyết được diện tích bãi xe ngầm mà vẫn đảm bảo không gian xanh bên trên. “Việc này nhiều dự án trước đây ở Công viên Thống Nhất, vườn hoa Hàng Đậu… đều không đạt”, ông Nghiêm nói.

Công viên Thủ Lệ là nơi có hệ thống cây xanh có giá trị, càng đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng, giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn không gian xanh bên trên. Ông Nghiêm đề nghị chủ đầu tư phải công khai giải pháp kỹ thuật, phương án thiết kế lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Trong đó, tiêu chí bảo vệ không gian xanh phải là mục tiêu hàng đầu.

Cách nào cân đối quyền lợi nhà đầu tư?

KTS Nguyễn Đình Tuấn thông tin: “Ở các nước trên thế giới đều có kết hợp bãi xe với các trung tâm thương mại”. Xây dựng bãi xe ngầm có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, mức đầu tư rất cao. Để thu hút được đầu tư vào lĩnh vực này cần có cơ chế đặc thù như khai thác dịch vụ để rút ngắn thời gian hoàn vốn. Tuy nhiên, khâu giám sát thực hiện dự án hết sức quan trọng. Bởi bài học về sự buông lỏng giám sát đã diễn ra cách đó không xa. Đơn cử các dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, mương Nghĩa Đô để làm bãi xe nhưng tất cả đều biến tướng thành dịch vụ, kinh doanh.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, vướng mắc về thủ tục và cơ chế đầu tư thu hồi vốn khiến nhiều dự án bãi xe ngầm chưa thể triển khai. Trong đó vấn đề đặt ra là làm sao cân đối được quyền lợi của chủ đầu tư đang là bài toán khó. Như bãi xe ngầm ở Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô lên đến cả 1.000 tỷ đồng, nếu thu hồi vốn chỉ qua mức giá trông giữ xe do thành phố ban hành hiện nay thì phải mất rất nhiều năm, rất khó hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, cơ quan chức năng đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Trần Hoàng