|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xây cao ốc trong nội đô: Thiếu giám sát quy hoạch

10:30 | 25/01/2017
Chia sẻ
Hay như tuyến đường Lê Văn Lương đoạn giao từ đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân) dài 1km nhưng phải "cõng" đến 40 tòa chung cư cao tầng với mật độ lên đến hàng trăm nghìn người. Việc các tòa nhà cao tầng mọc lên dày đặc đã dẫn đến nhiều hệ lụy như tắc đường, ngập lụt... Vậy, vì sao các cơ quan quản lý vẫn tiếp tục phê duyệt cho các dự án xây cao tầng?
xay cao oc trong noi do thieu giam sat quy hoach
Ảnh minh họa.

Khu vực Trung Hòa – Nhân Chính, nơi từng được xem là khu vực phát triển đồng bộ và hiện đại nhất của Hà Nội thì sau gần 1 thập niên đi vào sử dụng, hình hài của một khu đô thị hiện đại đang dần bị "phá nát" khi hàng loạt cao ốc đua nhau mọc lên trong khi hạ tầng, đường sá không được mở rộng thêm. Xung quanh khu này liên tục xuất hiện các tòa nhà cao tầng san sát nhau với chiều cao từ 20 đến 36 tầng.

Trao đổi với VnMedia, TS Đào Sỹ Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cho rằng, để phê duyệt dự án trước hết cơ quan chức năng phải căn cứ vào cơ sở pháp lý đã được phê duyệt cụ thể là quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề ở đây đó là quy hoạch và kế hoạch chưa trùng khớp với nhau. Kế hoạch chưa xác định đầy đủ các dự án ưu tiên được làm và người cấp phép đầu tư chưa nhìn nhận theo thứ tự dự án ưu tiên cần làm. Nhưng, xét về tổng thể thì việc triển khai các dự án này là phù hợp quy hoạch nhưng không phù hợp với việc xác định các dự án triển khai. Đây là tồn tại.

Tuyến đường Lê Văn Lương là tuyến đường nối giữa Hà Nội và Hà Tây cũ. Thời điểm đó, Hà Nội mở tuyến đường Lê Văn Lương và có cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án hai bên đường. Hà Tây mở tuyến đường Lê Văn Lương nhưng lại có cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Vì có sự khác nhau trong hình thức đầu tư nên dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Mới đây, Chính phủ đã thay đổi Nghị định 11/2013 trong đó quy định trách nhiệm kết nối hạ tầng giao thông trong các khu đô thị mới là thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại Nhà nước đang kêu gọi các nhà đầu tư phải thực hiện nhiệm vụ này. Tuyến đường Lê Văn Lương là tuyến đường điển hình của sự bất cập này. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh lại cho phù hợp.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, năm 2010 sau khi có lệnh dừng các dự án cao tầng của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã rà soát và tiến hành lập quy hoạch phân vùng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Sau đợt rà soát 233 dự án – đồ án xây cao ốc trong trung tâm, Hà Nội đưa ra các biện pháp nhằm siết chặt quản lý nhà cao tầng (nhà 10 tầng trở lên). Tuy nhiên, thực tế không như vậy khi mà hàng loạt dự án cao ốc chọc trời vẫn đua nhau mọc lên gây áp lực lớn cho hạ tầng khu vực nội đô.

"Một chính quyền đô thị cần khẳng định trong quy hoạch của mình những điểm nhấn chính, vị trí, đặc tính văn hóa, và các quy định khống chế để các phát triển tiếp nối không phá vỡ đi những giá trị văn hóa. Việc cấp phép cho các dự án nếu có sai lầm là ở người cấp phép chứ không phải ở người xin phép. Doanh nghiệp đã xin phép, cơ quan quản lý đồng ý cấp thì doanh nghiệp mới làm. Doanh nghiệp hoàn toàn hợp pháp, chả có gì sai. Còn bây giờ bài học chính là phải rút kinh nghiệm là người cấp phép" - ông Trần Ngọc Chính nói.

Cũng theo ông Chính, trong vấn đề quản lý đô thị việc thực hiện quy hoạch là cốt lõi, nhưng việc giám sát quy hoạch lại buông lỏng. Giám sát quy hoạch là chính quyền, các cơ quan chức năng của thành phố. Do vậy, quy chế càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng tránh được những kẽ hở, càng thấy được luật pháp nghiêm. Và đó sẽ trở thành cái gậy quyền lực cho chính quyền đô thị cứ thế chiếu vào mà làm.Các nước người ta quản lý đô thị là quản lý như vậy. Quản lý bằng quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị trên cơ sở bằng các quy chế, quy định đã được duyệt.

Khánh An