|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xăng sinh học đang đuối

13:38 | 15/11/2016
Chia sẻ
Trong khi các nhà máy ethanol của Việt Nam thất bại, thế giới đã đi rất xa trong công nghệ sinh học và sử dụng đến xăng E10.

Ở Việt Nam, xăng sinh học bắt đầu được nhà nước quan tâm và chỉ đạo phát triển từ năm 2007 với hy vọng sử dụng nguồn năng lượng sạch đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Thế nhưng, từ chính sách đến thực tiễn đã có một khoảng cách rất xa và thực tế là ngành công nghiệp sản xuất nguồn năng lượng này tại Việt Nam đang “sống dở, chết dở”.

Niềm hy vọng một thời

Xăng sinh học là loại nhiên liệu hỗn hợp, gồm xăng thông thường như A92 pha với tỉ lệ cồn ethanol 5%; cồn này được chiết xuất từ bắp, mía hoặc sắn và các phụ phẩm nông nghiệp khác... Tùy theo tỉ lệ pha trộn, ta có xăng E5 (ethanol chiếm 5%), E10 (ethanol chiếm 10%), E20 (ethanol chiếm 20%)... Xăng E5 được kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn xăng A92 trên cả nước vì loại xăng E5 sạch, có mức độc hại thấp hơn các loại xăng khác và xăng A92 đang ngày càng cạn kiệt.

Xăng E5 được bán thí điểm tại TP.HCM từ năm 2010 và dự kiến phân phối đại trà vào năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, sản lượng xăng E5 bán ra trên tổng lượng xăng tiêu thụ vẫn chưa tới 5%. Vào giữa năm nay, các trạm xăng thuộc các tỉnh thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Vũng Tàu, được yêu cầu phải bán xăng E5, tiến tới thay dần cho xăng A92. Nhưng đến thời điểm này, hầu như các trạm xăng đã ngừng bán.

Đề án xây dựng nhà máy sản xuất xăng E5 tạo ra viễn cảnh tương lai tươi sáng với kỳ vọng tỉ suất sinh lợi/vốn đầu tư lên đến 35%. Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm được Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) bao tiêu sản phẩm, với cam kết dù cho giá nhiên liệu trên thế giới như thế nào vẫn đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận19%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn kỳ vọng sẽ có chính sách bắt buộc người dân dùng xăng E5 trên toàn quốc.

Nhà máy cồn ethanol Đại Tân là nhà máy lớn nhất ở Việt Nam sản xuất xăng sinh học có công suất thiết kế 100.000 tấn ethanol/năm. Đây là nhà máy ethanol được khởi công vào năm 2007 và năm 2010, chính thức đưa vào sản xuất. Khi mới đi vào hoạt động, sản phẩm của nhà máy được cung cấp cho các công ty xăng dầu ở khu vực miền Trung, xuất khẩu sang Philippines, Malaysia và Nhật. Nhà máy Đại Tân thời điểm mới ra đời được kỳ vọng rất lớn cho xăng sinh học.

Muốn đi trước đón đầu thị trường, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã đầu tư xây dựng 2 công ty cổ phần và công ty liên doanh sản xuất bio-ethanol đặt tại Bắc, Trung, Nam với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, gồm: Nhà máy Nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi và Nhà máy ethanol Phú Thọ. Trong đó, dự án ethanol Bình Phước là liên doanh giữa Itochu Nhật và Petrosetco Việt Nam, với tỉ lệ vốn góp 49% - 51%. Itochu đã có 30 năm sản xuất xăng sinh học tại Nhật và thấy thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn nên đã nhảy vào đầu tư.

xang sinh hoc dang duoi
Dự kiến đến năm 2025, sản lượng ethanol và dầu thực vật đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu cả nước. Ảnh: laodong.com.vn

Cả ngành bỏ hoang

Thế nhưng, sau 6 năm đầu tư, Itochu đã rút khỏi dự án ethanol Bình Phước khi rao bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp dù thời điểm này nhà máy chưa đi vào hoạt động. Nhưng sau thời gian chào bán, Itochu vẫn không tìm được đối tác mua. Sau vài năm hoạt động, Nhà máy cồn ethanol Đại Tân cũng lâm vào cảnh vỡ nợ, nhiều khoản nợ mua nguyên liệu của người dân hiện vẫn chưa được Đại Tân chi trả.

Dự báo năm 2016 sẽ có 16 nhà máy ethanol đi vào hoạt động, nhưng theo tổng kết của Bộ Công Thương, hiện cả nước chỉ có 7 nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học với mức vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, gồm: Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vốn đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng, Nhà máy ethanol Bình Phước 1.700 tỉ đồng, Nhà máy ethanol Tam Nông Phú Thọ hơn 2.400 tỉ đồng, Nhà máy ethanol Đại Tân, Quảng Nam hơn 500 tỉ đồng, Nhà máy ethanol Đại Việt, Đăk Nông 500 tỉ đồng, Nhà máy ethanol Đăk Tô, Kon Tum, Nhà máy ethanol Tùng Lâm, Đồng Nai gần 1.000 tỉ đồng. Thực trạng cần nhìn nhận là cả 7 nhà máy đều hoạt động cầm chừng, hoặc đóng cửa vì nợ và bế tắc đầu ra.

Trong đó, 3 dự án của PVN hiện dẫn đầu với khoản thua lỗ lớn và nguồn vốn đầu tư vượt hơn so với dự kiến ban đầu. Cụ thể, dự án Bình Phước có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.492 tỉ đồng nhưng vốn đầu tư tính đến tháng 11.2014 đội lên tới 1.742 tỉ đồng, tăng hơn 250 tỉ đồng. Dự án Dung Quất khi phê duyệt tổng mức đầu tư là 1.493 tỉ đồng nhưng vốn đầu tư sử dụng lên tới 2.124 tỉ đồng, tăng 631 tỉ đồng. Mặc dù đã ngừng hoạt động từ tháng 3 năm nay và việc không thể tiêu thụ sản phẩm xăng sinh học E5 khiến Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất không có khả năng trả khoản nợ 1.300 tỉ đồng cho các ngân hàng.

Dự án Phú Thọ có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317 tỉ đồng, giá trị gói thầu hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã chỉnh giá trị hợp đồng tăng thêm hơn 14,3 triệu USD. Đặc biệt, sau khi Chính phủ đề nghị thanh tra, cho thấy các nguyên nhân tăng giá gói thầu đã không xuất phát từ nhu cầu dự án và yêu cầu của chủ đầu tư. Tại Dự án Phú Thọ, nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11.2011, toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị hư hỏng, trong khi vốn đã đầu tư 1.534 tỉ đồng.

Một nguyên nhân dẫn đến xăng sinh học thất bại là vì sản lượng tiêu thụ xăng hiện nay thấp. Trong khi đó, giá xăng sinh học E5 dù có mức giá thấp hơn vài ngàn đồng so với xăng A92 nhưng lại chưa được người dân sử dụng nhiều. Một mặt, do sản phẩm mới nên ít người dùng, mặt khác nhà cung cấp chưa mở rộng được điểm bán cũng như không có chính sách bán hàng, chiết khấu hấp dẫn người bán thay thế xăng A92.

Vì thế, tại Hà Nội, mặc dù lộ trình đặt ra đến 1.1.2016, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu trên địa bàn bán xăng E5 nhưng đã lỡ hẹn mục tiêu do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí để cải tạo bồn chứa xăng cao, bảo quản xăng khó khăn, hao hụt lớn dẫn đến chi phí kinh doanh cao. Tại TP.HCM, sau một năm đưa xăng E5 vào thị trường, cũng chỉ đạt hơn 50% theo yêu cầu Chính phủ đề ra.

Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào của sắn trước đây khoảng 18.000 đồng/kg, đến nay đã tăng đến 50.000 đồng/kg. Vì thế, giá xăng sản xuất tăng cao hơn so với giá ban đầu đưa ra, dẫn đến thua lỗ. Cộng thêm giá dầu thế giới mấy năm gần đây liên tục giảm mạnh khiến cho giá xăng trong nước càng khó cạnh tranh.

Một nguyên nhân rất quan trọng nữa chính là công nghệ sản xuất được nhập từ Trung Quốc nên chất lượng ethanol sản xuất ra để pha trộn với xăng không đảm bảo chất lượng như ban đầu. Theo một báo cáo về thực trạng các cơ sở sản xuất ethanol mới đây của Bộ Công Thương, trong số 7 nhà máy sản xuất ethanol, có đến 4 nhà máy sử dụng hoàn toàn công nghệ từ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại dù sử dụng một số công nghệ của các nước phát triển như Mỹ, Đan Mạch, Ấn Độ nhưng thiết bị vẫn nhập từ Trung Quốc. Trong đó, 4 nhà máy sử dụng công nghệ của Trung Quốc khi hoàn thành chỉ sau từ 1-2 năm hoạt động đã phải tạm ngừng. Các nhà máy còn lại cũng chỉ tồn tại được một thời gian sau đó.

Cũng trong báo cáo này, các nhà máy sử dụng công nghệ của Trung Quốc là Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân, Quảng Nam, Nhà máy ethanol Tùng Lâm, Đồng Nai. Trong đó, có 2 nhà máy sản xuất ethanol không đạt chuẩn pha chế xăng E5 đã bị đối tác ngừng hợp đồng là Nhà máy Đại Việt, Đăk Nông. Vì thế, có thể thấy ngành xăng sinh học của Việt Nam rơi vào tình trạng “thoi thóp” là do sự yếu kém trong việc triển khai dự án từ chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Các tổng thầu EPC còn thiếu kinh nghiệm triển khai các dự án, không kiểm soát được chi phí nên không thực hiện được đúng bản chất hợp đồng.

Trong khi các nhà máy ethanol của Việt Nam thất bại, thế giới đã đi rất xa trong công nghệ sinh học và sử dụng đến xăng E10. Ngay tại châu Á, Philippines đã đưa xăng E5 vào quy định bắt buộc sử dụng năm 2009, xăng E10 là năm 2011. Xăng sinh học E10 được sử dụng nhiều nhất tại Thái Lan, xăng E20 và E85 cũng bắt đầu được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang chuyển sang dùng xăng E10 và E20. Ấn Độ sử dụng xăng E20 đại trà vào năm 2017 bởi công nghệ sinh học nước này rất phát triển. Còn Trung Quốc đã chuyển dần các nhà máy phối trộn xăng sinh học E5 sang xăng E10.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Mai Hân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.