World Bank vướng bê bối vì tăng khống thứ hạng của Trung Quốc, Arab Saudi trong báo cáo Doing Business
Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) cho biết họ sẽ ngừng công bố báo cáo Chỉ số lợi nhuận kinh doanh (Doing Business) hàng năm của mình.
Theo CNN, tuyên bố này được đưa ra sau khi một cuộc điều tra độc lập cho thấy các lãnh đạo ngân hàng đã gây "áp lực quá mức" đối với nhân viên để buộc họ phải thay đổi dữ liệu để tăng thứ hạng cho Trung Quốc và Arab Saudi trong các phiên bản báo cáo năm 2018 và 2020. Ngân hàng đã ủy quyền cho công ty luật WilmerHale tiến hành cuộc điều tra.
World Bank tăng khống 7 hạng cho Trung Quốc
Các nhà điều tra đã phát hiện ra khi đó, Giám đốc điều hành Kristalina Georgieva của World Bank đã gây áp lực buộc nhóm phân tích, báo cáo của Doing Business "thay đổi phương pháp của báo cáo" hoặc "thực hiện các thay đổi cụ thể" từ năm 2017 đối với các điểm dữ liệu. Sau đó, báo cáo đã tăng thứ hạng của Trung Quốc trong ấn bản năm 2018.
Điều này xảy ra sau khi các quan chức chính phủ Trung Quốc liên tục bày tỏ quan ngại với bà Georgieva và Chủ tịch World Bank lúc đó là ông Jim Yong Kim về xếp hạng của quốc gia này.
Kết quả cuộc điều tra dài 16 trang do WilmerHale công bố cho hay cũng vào thời điểm đó, bà Georgieva đang đàm phán về một chiến dịch tăng vốn mà Trung Quốc thì "được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng” đối với kết quả đàm phán.
Bà Georgieva đã "trực tiếp tham gia" vào việc cải thiện thứ hạng của Trung Quốc, theo cuộc điều tra độc lập, cho biết rằng trong một cuộc họp, vị CEO khi đó "đã chỉ trích một quan chức của ngân hàng vì ‘quản lý sai mối quan hệ giữa World Bank và Trung Quốc’, đồng thời không đánh giá đúng tầm quan trọng của báo cáo Doing Business với đất nước”.
Theo báo cáo của WilmerHale, các nhà lãnh đạo nhóm Doing Business đã tăng xếp hạng của Trung Quốc trong cuộc khảo sát thêm 7 bậc (lên 78) bằng cách xác định các điểm dữ liệu mà họ có thể sửa đổi.
Các điểm này bao gồm cả việc cho Bắc Kinh có điểm "tín nhiệm nhiều hơn" đối với luật giao dịch bảo đảm. Từ tháng 10/2017, cuộc điều tra cho thấy các trợ lý của chủ tịch World Bank là ông Kim cũng chỉ đạo nhóm khảo sát mô phỏng cách điểm số cuối cùng của Trung Quốc có thể thay đổi nếu dữ liệu từ Đài Loan và Hong Kong được đưa vào dữ liệu hiện có của nước này.
Bà Georgieva, hiện là CEO của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết trong một tuyên bố rằng về cơ bản, bà không đồng ý "với những phát hiện và giải thích trong cuộc điều tra bất thường về dữ liệu vì nó liên quan đến vai trò của tôi trong báo cáo Chỉ số lợi nhuận kinh doanh của World Bank năm 2018".
Bà cũng cho biết đã thông báo ngắn gọn cho ban điều hành IMF về vấn đề này. Trong khi đó, ông Kim vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào.
Ban điều hành IMF đã yêu cầu ủy ban đạo đức xem xét lại cuộc điều tra của WilmerHale, theo một nguồn thạo tin. Sau đó, ủy ban đạo đức sẽ báo cáo lại với hội đồng về đánh giá của họ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào với công tác của bà Georgieva.
Trong cuộc họp báo hôm 17/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: "Bà Georgieva đã đưa ra một tuyên bố trên trang web chính thức của IMF. Chúng tôi cũng đã lưu ý rằng World Bank gần đây đã đưa ra tuyên bố đình chỉ báo cáo Chỉ số lợi nhuận kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc coi trọng nỗ lực của Doing Business trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, điều này đã được thể hiện rõ cho tất cả mọi người”.
“Chúng tôi hy vọng rằng WB sẽ lấy thực tế làm cơ sở, các quy tắc làm tiêu chí, tuân theo các nguyên tắc chuyên nghiệp, khách quan, công bằng và minh bạch, tiến hành điều tra kỹ lưỡng các vấn đề liên quan theo đúng quy trình đánh giá nội bộ, nhằm bảo vệ tốt hơn tính chuyên nghiệp và uy tín của báo cáo và uy tín của bản thân ngân hàng cũng như danh tiếng của các nước thành viên”, ông nói thêm.
Thứ hạng của Arab Saudi cũng không chính xác
Cuộc điều tra của WilmerHale cũng phát hiện ra những điểm bất thường liên quan đến dữ liệu của Arab Saudi trong báo cáo Chỉ số lợi nhuận kinh doanh năm 2020.
Các quan chức chính phủ Arab Saudi bày tỏ "sự không hài lòng" về cách xếp hạng đất nước của họ trong ấn bản năm 2019, đặc biệt là với việc nhóm khảo sát không công nhận những gì các quan chức coi là "cải cách thành công của đất nước", theo cuộc điều tra.
Do đó, các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng, bao gồm cả một trong những người sáng lập báo cáo Chỉ số lợi nhuận kinh doanh là Simeon Djankov đã chỉ đạo nhóm khảo sát "tìm cách thay đổi dữ liệu", đẩy Jordan khỏi vị trí đầu tiên trên danh sách những quốc gia cải cách hàng đầu. Nhóm nghiên cứu cuối cùng đã cộng điểm ở nhiều hạng mục cho Arab Saudi để quốc gia này thay thế Jordan ở vị trí đầu bảng.
Djankov nói rằng yêu cầu thay đổi dữ liệu của Arab Saudi đến từ hai quan chức cấp cao của World Bank, một trong số đó từng là Tham mưu trưởng cho Chủ tịch Jim Yong Kim.
Trong một tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, World Bank khẳng định dù ngừng phát hành báo cáo Chỉ số lợi nhuận kinh doanh thì ngân hàng vẫn sẽ “cam kết kiên quyết thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển và hỗ trợ các chính phủ, thiết kế môi trường pháp lý hỗ trợ điều này. Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường đầu tư và kinh doanh".