WB: Năm 2024, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 6,1%, thấp hơn mức trước dịch COVID-19
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10. Theo đó, tăng trưởng năm 2024 của các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhưng chưa bằng so với trước đại dịch.
Cụ thể, tăng trưởng chung của khu vực dự báo đạt 4,8% trong năm nay nhưng sẽ chững lại còn 4,4% vào năm 2025. Trong đó, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc, dự báo sẽ giảm từ 4,8% trong năm nay xuống còn 4,3% trong năm 2025 do thị trường bất động sản yếu kéo dài, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng thấp, bên cạnh những thách thức mang tính cơ cấu như dân số già hóa và những căng thẳng toàn cầu.
Tăng trưởng chung của khu vực ngoại trừ Trung Quốc dự báo đạt 4,7% trong năm 2024 và 4,9% trong năm 2025, nhờ tiêu dùng trong nước tăng lên, xuất khẩu hàng hóa phục hồi và du lịch tăng trở lại.
Trong các nền kinh tế lớn hơn, chỉ có Indonesia dự kiến tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 bằng hoặc cao hơn mức trước đại dịch, trong khi tăng trưởng ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ thấp hơn mức trước đại dịch.
Tuy vậy, WB vẫn giữ nguyên mức dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,1% trong năm nay và 6,5% trong năm 2025 đưa ra hồi tháng 8.
Cần đẩy mạnh đầu tư công
Về cơ hội của Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB cho rằng, trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi (sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật đất đai có hiệu lực từ tháng 8), thì nhu cầu trong nước sẽ vững lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện.
Cùng với đó, cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư nhỏ, đồng thời Chính phủ đang quay lại củng có cân đối ngân sách, còn lạm phát dự báo sẽ giảm từ 4,5% năm 2024 xuống còn 3,5% năm 2026.
Tuy vậy, một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Liên minh Châu Âu, và Trung Quốc.
"Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng", ông Sebastian Eckardt quan ngại.
Ngoài ra, đối với trong nước, sự mất ổn định của kinh tế vi mô có thể có tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư.
Thị trường bất động sản có thể hồi phục lâu hơn dự kiến, tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị suy giảm.
Theo ông Sebastian Eckardt, là một trong những quốc gia có nguy cơ dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu trên thế giới, thiên tại liên quan đến khí hậu ngày một gia tăng cũng có thể là một rủi ro tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Do đó, cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng - đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, logistics - vốn đang là những nút thắt cản trở tăng trưởng. Bên cạnh đó cần theo dõi sát chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng.
"Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính", ông Sebastian Eckardt khuyến nghị.