Vụ xe công 'giá bèo': Tổng kiểm tra thanh lý ô tô công trên toàn quốc
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc thanh lý tài sản nhà nước nói chung (trong đó có xe ô tô) theo đúng quy định. (Ảnh: Dân trí) |
Sau thông tin xe ô tô công thanh lý giá bình quân 46,2 triệu đồng/chiếc gây xôn xao dư luận, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu báo cáo về việc thanh lý xe ô tô công.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị kiểm tra việc thanh lý xe ô tô thời gian qua. "Trong quá trình kiểm tra phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật", công văn nêu rõ.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc thanh lý tài sản nhà nước nói chung (trong đó có xe ô tô) theo đúng quy định. Trong đó Bộ này lưu ý: Tài sản phải đủ điều kiện thanh lý, tổ chức thực hiện thanh lý đúng thời hạn, công khai, minh bạch; việc bán đấu giá tài sản thanh lý, quản lý, sử dụng số tiền thanh lý thu được… thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan.
Sau khi hoàn thành việc thanh lý tài sản, cơ quan, đơn vị, tổ chức có tài sản thanh lý, hạch toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo kê khai biến động tài sản để đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định số 52 năm 2009 của Chính phủ.
Bộ, ngành, địa phương tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (trong đó có biến động về thanh lý xe ô tô) gửi bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số lượng xe ô tô công tính đến ngày 31/12/2016 là 34.214 chiếc, trong đó, số xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.047 chiếc và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc.
Thực hiện theo Quyết định 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2016 đã thực hiện thanh lý 1.105 chiếc. Trong đó, các bộ ngành, địa phương đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng, bình quân là 46,2 triệu đồng/xe.
Nguyên nhân có con số bình quân nói trên là do trong số 761 xe thanh lý có 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin về số tiền thu được. Bên cạnh đó, có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề... nên không thu được tiền.
Ngoài ra,183 xe được cho là đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…) nên khi thanh lý chỉ thu được tổng số tiền xấp xỉ 5,5 tỷ đồng, tức trung bình khoảng 30 triệu đồng một xe.
Ngoài ra, năm 2016 còn 2.041 chiếc được các bộ ngành địa phương xác định dư thừa và phải thực hiện thanh lý nhưng chưa báo cáo hết số lượng thanh lý về Bộ Tài chính.
Về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề tiếp nhận xe ô tô do doanh nghiệp tặng, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát tình hình các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đã tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng (tính đến ngày 10/3/2017), có báo cáo gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2017 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Chính phủ đã thống nhất, yêu cầu chấm dứt ngay việc các địa phương, cơ quan nhà nước nhận xe biếu, tặng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.