|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ trưởng Ngân sách: Trung ương vẫn ưu tiên chi lớn cho TP HCM

07:42 | 29/10/2016
Chia sẻ
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng với mức chi ngân sách theo đầu người gấp 1,7 lần các địa phương khác và khoảng 7.000 tỷ đồng bổ sung đầu tư trong năm 2016, TP HCM không phải chịu thiệt trong vấn đề chi tiêu.

Trước việc phải điều chỉnh tỷ lệ ngân sách điều tiết về trung ương (theo hướng giảm tỷ lệ để lại địa phương), nhiều tỉnh thành, trong đó có TP HCM, đã nêu quan điểm không đồng tình.

Cụ thể, theo kế hoạch từ năm 2017, tỷ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại trong giai đoạn 2017-2020 giảm mạnh từ 23% xuống 18% số thu phải điều tiết. Với vai trò là địa phương đầu tàu, có số thu ngân sách lớn (TP HCM cùng với Hà Nội chiếm 50% cả nước), TP HCM cho rằng tỷ lệ điều tiết này không phù hợp và sẽ gây khó khăn trong chi tiêu.

vu truong ngan sach trung uong van uu tien chi lon cho tp hcm

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính - khẳng định TP HCM vẫn đảm bảo đủ nguồn lực phát triển. Ảnh: Thanh Lan.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính khẳng định việc xác định lại tỷ lệ điều tiết này đã được tính toán kỹ lưỡng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi của thành phố. Theo ông Hưng, thực chất, ngân sách trung ương vẫn luôn ưu tiên dành nguồn chi lớn cho TP HCM.

Theo quy định hiện hành, khoản thu ngân sách tại các địa phương gồm ba phần. Một phần nộp lại 100% cho trung ương (như dầu thô); một phần các địa phương được hưởng 100% (ví dụ khoản thu từ xổ số...) và phần còn lại phải chia sẻ giữa trung ương và địa phương theo tỷ lệ điều tiết. Ví dụ như TP HCM, tỷ lệ điều tiết hiện tại là 77:23 (TP HCM giữ lại 23%, phần còn lại nộp về trung ương). Giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 18%.

Vị này lý giải, mức chi trên đầu dân số của thành phố đang gấp 1,7 lần so với các địa phương khác. Ngoài ra, trung ương còn bổ sung cho thành phố trên 7.000 tỷ đồng để đầu tư một số dự án. "Nếu tính cả 7.000 tỷ này, tỷ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại không phải chỉ là 18% mà là 22%. Trong 7.000 tỷ đó ít nhất có 3.200 tỷ để đầu tư xây dựng 2 bệnh viện tuyến cuối (Hàm Nghi và Ung bướu)", ông Hưng nói.

Ngoài việc thu ngân sách vượt sẽ có thưởng, trong giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Vụ Ngân sách cho biết sẽ tiếp tục bổ sung cho địa phương này trên dưới 3 tỷ USD vốn ODA để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, cấp thoát nước, xử lý các vấn đề môi trường và nguồn một tỷ đôla Mỹ cho vay lại.

"Không phải Bộ Tài chính không ý thức được trường hợp của TP HCM. Chúng tôi đã tính toán kỹ làm sao để tỷ lệ điều tiết giảm không quá lớn, nếu giảm vẫn phải có nguồn lực khác bù vào để đảm bảo thành phố không bị tác động quá lớn", ông Hưng lý giải.

Không riêng TP HCM, Hà Nội cũng bị điều chỉnh tỷ lệ giữ lại tại địa phương từ 42% xuống 28%; Đà Nẵng giảm từ 85% xuống 68%.

Theo đại diện Bộ Tài chính, nhu cầu ngân sách có thể sẽ không tăng như nhu cầu của các địa phương này nhưng không thể nói là giảm quá lớn. Ông lấy ví dụ, hai thành phố như Hà Nội, TP HCM còn có nhiều công trình do trung ương đầu tư.

Như TP HCM được trung ương đầu tư 6.000-7.000 tỷ đồng vào các công trình, sau này khi các doanh nghiệp làm việc trên địa bàn nộp thuế cho thành phố và cũng đóng góp vào tăng trưởng cho họ. Theo ông Hưng, đây cũng được xem là nguồn lực của địa phương.

"Để có nguồn lực hỗ trợ các địa phương khó khăn sẽ phải lấy từ các địa phương có điều kiện hơn. Đây là nguyên lý điều hoà ngân sách chung của tất cả các nước. Nếu cả 63 địa phương đều kêu thì miếng bánh ngân sách không bao giờ đủ được", ông Hưng chia sẻ.

Trên thực tế, trong khi 13 địa phương chiếm 80% số thu cả nước và có điều tiết, đóng góp lại cho ngân sách trung ương thì vẫn còn 50 địa phương đều đặn nhận tiền hỗ trợ, bổ sung từ trung ương.

Một ví dụ điển hình như tỉnh Bắc Kạn có số thu ít nhất cả nước khi nguồn thu cả năm không đầy 600 tỷ đồng (chưa bằng một ngày thu của những địa phương như TP HCM).

Ngược lại, những địa phương này có địa bàn khá khó khăn, nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp nên dư địa thu cũng không thể lớn như các đơn vị có cơ cấu công nghiệp và dịch vụ khác, chưa kể còn chịu nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu...

"Do đó, khi xây dựng định mức phân bổ thì cần xác định nguồn lực làm sao cho cân bằng hơn để mỗi địa phương có thể đảm đương các nhiệm vụ vụ kinh tế xã hội trên địa bàn mình", ông Hưng nói.

Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy TP HCM cũng nói, vấn đề hạ tầng của TP đang quá bức bối trong khi chi thường xuyên đã giảm tối đa và không thể cắt thêm.

Do đó, theo bà, nếu bị giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại, TP HCM chỉ còn cách cắt giảm chi đầu tư cho phát triển hạ tầng.

Không riêng lãnh đạo thành phố, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc đột ngột bị "thắt lưng buộc bụng" có thể làm suy giảm tăng trưởng của các thành phố đầu tàu tăng trưởng kinh tế như TP HCM, Hà Nội và thậm chí là ảnh hưởng chung đến cả nước.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trong khi đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách và luôn bị trung ương giao chỉ tiêu thu cao, các địa phương như TP HCM bị giảm tỷ lệ giữ lại có thể gây ra tình trạng không công bằng.

Thanh Thanh Lan

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.