Vụ sóng gió ập đến dự án 'đất vàng' Nha Trang: Luật sư nói gì?
Vịnh Nha Trang muốn ‘tháo ngòi nổ’ tranh chấp với Coteccons |
Vịnh Nha Trang ra điều kiện hòa giải với Coteccons
Có thể tóm tắt sự việc “cơm không lành, canh không ngọt” giữa VNT và CTD trong 2 tháng qua theo trình tự sau:
Ngày 1/8/2016, VNT và CTD cùng nhau ký hợp đồng thầu thiết kế và xây dựng trọn gói Dự án Panorama Nha Trang.
Ngày 12/10/2017, CTD gửi cho VNT và các cơ quan chức năng công văn 2991/2017/CV-TGĐ về việc Thông báo các vi phạm hợp đồng của VNT và đơn phương chấm dứt hợp đồng với VNT với lý do: Chủ đầu tư vi phạm hợp đồng vì cắt giảm phạm vi công việc, giao cho nhà thầu khác; không thanh toán chi phí tiện ích phục vụ thi công, đồng thời yêu cầu CTD nâng thêm 5 tầng so với giấy phép và quy hoạch.
Ngày 13/10/2017, CTD tháo dỡ biển thi công, rút công nhân khỏi công trường, dừng các hoạt động thi công và yêu cầu VNT thanh toán tiền các hạng mục đã thi công (120 tỷ đồng).
Ngày 25/10/2017, VNT gửi thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng với lý do: CTD có hành vi vi phạm bỏ dở công trình và có ý định rõ ràng về việc không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi công, đồng thời yêu cầu CTD rút các máy móc, thiết bị ra khỏi công trường. Tuy nhiên, CTD nêu quan điểm chỉ bàn giao công trường sau khi VNT hoàn thành nghĩa vụ thanh toán 120 tỷ.
Thời điểm đang trong giai đoạn giải quyết tranh chấp thì ngày 4/11/2017 xảy ra cơn bão số 12, làm 2 cẩu tháp của phía nhà thầu phục vụ thi công sập, gây thiệt hại nhiều hạng mục khác. Sau bão, các bên họp lại để cùng nhau giải quyết tìm hướng khắc phục hậu quả nhưng cơn “bão ngầm” giữa hai đơn vị này vẫn âm ỉ khi chưa tìm được tiếng nói chung.
Căng thẳng giũa CTD và VNT đã diễn ra suốt 2 tháng qua. |
Phía CTD đã lập phương án khắc phục sự cố sau bão và khẳng định sẽ chịu trách nhiệm, chi phí tháo dỡ cẩu tháp, khắc phục thiệt hại nhưng bị VNT ngăn cản không cho vào công trường. Đơn vị này một lần nữa tố chủ đầu tư tự ý tháo dỡ tài sản của CTD song lý do từ phía VNT đưa ra là do nhà thầu chậm trễ khắc phục thiệt hại...
Sau những cáo buộc của CTD, VNT cũng đã có văn bản phản hồi gửi các cơ quan chức năng.
Cụ thể, về cáo buộc có thể coi nặng nề nhất của CTD cho rằng VNT vi phạm pháp luật về giấy phép xây dựng, phía VNT cho rằng, từ trước đến nay, đơn vị này chưa có bất cứ một quyết định chính thức nào về việc thay đổi thiết kế hay nâng tầng công trình của dự án Panorama.
"Việc điều chỉnh thiết kế, hay nâng số tầng để có thêm mấy tầng dịch vụ cũng mới chỉ là ý tưởng đang xem xét trong nội bộ ban lãnh đạo công ty chúng tôi, và còn chưa có một bước đi nào để thực hiện việc khảo sát, thẩm tra, trình cơ quan Nhà nước phê duyệt... thì làm sao đã có hành vi nào được coi là phạm pháp mà CTD coi chúng tôi như là đã phạm tội và phải tố giác?", ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNT cho biết.
Về cáo buộc của CTD cho rằng VNT tự ý thay đổi phạm vi công việc của nhà thầu, phía VNT cũng đáp trả rằng, do CTD đã không hoàn thành được các cam kết của mình theo hợp đồng như tại gói thầu hoàn thiện và cơ điện, về danh mục sản phẩm, CTD đã không đáp ứng được yêu cầu đã cam kết; không đáp ứng yêu cầu giải trình, làm rõ các nội dung liên quan... Đáng chú ý, VNT còn đưa ra bằng chứng (bằng văn bản) cho thấy CTD đã đề nghị chủ đầu tư sớm đưa nhà thầu cơ điện của dự án vào để triển khai thi công các hạng mục liên quan...
Những tưởng vụ việc sẽ khó lòng để giải quyết trong “êm ấm” khi trước đó, ông Lê Anh Đức cho biết đã sẵn sàng đưa vụ việc ra trọng tài thương mại thì mới đây, VNT đã đưa ra phương án hòa giải, song với điều kiện CTD phải có văn bản xin lỗi và đính chính về những cáo buộc đối với VNT.
Theo đó, trong văn bản số 230/2017/VNT gửi CTD, VNT chỉ định nhà thầu Trang Long và các nhà thầu có năng lực khác tiến hành việc tháo dỡ và bàn giao ngay lập tức hai cẩu tháp gãy sập cùng các tài sản, thiết bị khác của CTD và các nhà thầu phụ trước sự chứng kiến của Văn phòng Thừa Phát Lại Nha Trang – đơn vị bảo hiểm Cẩu tháp, Viện Khoa học xây dựng (IBST) cùng đơn vị tư vấn giám sát. CTD có trách nhiệm cử đại diện có thẩm quyền đến xác nhận và tiếp quản nguyên trạng các cấu phần của hai cẩu tháp sau khi tháo dỡ cùng các trang, thiết bị khác, di dời ra khỏi công trường dự án.
Trường hợp CTD và các nhà thầu phụ từ chối tham dự hoặc cử đại diện không đủ thẩm quyền tham gia, VNT thông báo sẽ tự di chuyển toàn bộ cẩu tháp và các thiết bị sau khi tháo dỡ đến điểm tập kết. VNT cho biết sẽ không chịu trách nhiệm nào liên quan đến việc hỏng hóc, hư hại tài sản đồng thời giữ nguyên yêu cầu CTD thanh toán toàn bộ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển và lưu kho cẩu tháp... cho đến khi các đơn vị này nhận bàn giao.
Theo VNT, văn bản này thể hiện thiện chí của VNT với CTD trong việc giải quyết xung đột giữa hai bên theo hướng hòa giải. VNT sẵn sàng cử đại diện có thẩm quyền cùng ngồi lại với đại diện có thẩm quyền của CTD nhằm mục đích thống nhất xử lý các hệ quả của việc chấm dứt hợp đồng giữa hai bên thông qua con đường đàm phán.
Đối thoại trực tiếp là phương án tối ưu để hòa giải
Phân tích về câu chuyện liên quan đến 2 đơn vị nói trên, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Trưởng chi nhánh TP.HCM, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, cho rằng: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 428 BLDS 2015, một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng. Nếu VNT vi phạm hợp đồng như CTD viện dẫn thì VNT hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo. |
“Trên thực tế, CTD đã gửi thông báo về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng từ ngày 11/10/2017, VNT xác nhận ngày 12/10/2017 nhận được thông báo. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 438 BLDS: “Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt…”. Như vậy, việc ngày 25/10/2017, VNT gửi thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng tới CTD với lý do: CTD có hành vi vi phạm bỏ dở công trình và có ý định rõ ràng về việc không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi công là không phù hợp”, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho biết.
Liên quan đến những sai phạm của VNT mà CTD nêu ra, đối với yêu cầu nâng thêm 5 tầng so với giấy phép, VNT cho rằng điều này do CTD bịa đặt vu khống. Tuy nhiên, theo luật sư Thảo, các văn bản yêu cầu thay đổi thiết kế đều được gửi từ đơn vị tư vấn Artelia thay mặt VNT gửi đến CTD. Sự thật khách quan cần được xem xét lại, có đúng là CTD vu khống? Hay đơn vị tư vấn lạm quyền? Hoặc VNT chối bỏ trách nhiệm? Còn ở thời điểm hiện tại, công trình mới xây đc 26/39 tầng nên chưa thể có sai phạm xảy ra (thêm 5 tầng).
Đối với điều khoản bảo mật thông tin và giải quyết tranh chấp, Luật sư Thảo cho rằng, nếu đúng như VNT trình bày: Trong hợp đồng quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của các bên và ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải, nếu không được thì tranh chấp sẽ do trọng tài thương mại giải quyết… thì hành xử của CTD trong vụ việc này là không đúng.
“CTD khẳng định đây là tranh chấp dân sự (theo nội dung công văn 3755 của CTD) nhưng lại không dùng con đường dân sự để giải quyết tranh chấp mà gửi đơn thư tới nhiều cá nhân, tổ chức để gây sức ép tới chủ đầu tư”, luật sư Thảo cho biết.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc khắc phục sự cố bão số 12, 2 bên đang có tranh chấp và dừng hợp đồng, VNT yêu cầu CTD rút máy móc khỏi công trường, trong khi CTD cho rằng chừng nào chủ đầu tư chưa thanh toán tiền thì chưa rút dẫn đến VNT đã tự ý tháo dỡ cẩu tháp, thiết bị.
Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, đây là lỗi của cả 2 bên bởi VNT chưa có thiện chí trả tiền cho CTD nên không hề xem xét đến việc thanh toán trước một phần tiền cũng như xem xét khối lượng công việc có tương ứng với 120 tỷ mà CTD đòi hay không. CTD cũng chưa thể quy kết VNT có hành vi xâm phạm trái phép tài sản (vì chưa đủ dấu hiệu phạm tội) để làm đơn tới cơ quan công an gây sức ép cho chủ đầu tư.
Trong tranh chấp này, 2 bên đều có lỗi nên cần cùng nhau đối thoại trực tiếp, thương lượng tìm hướng giải quyết. Nếu con đường hòa giải, thương lượng không thành công thì yêu cầu Trung tâm Trọng tài Quốc Tế (VIAC) giải quyết theo đúng thỏa thuận giải quyết tranh chấp được quy định trong hợp đồng”, Luật sư Thảo khẳng định.
Trong một diễn biến mới đây, VNT và CTD đã có buổi gặp mặt để trao đổi thông tin giữa đại diện VNT là ông Lê Anh Đức với vai trò Chủ tịch và đại diện CTD là ông Nguyễn Sỹ Công với vị trí Tổng giám đốc.
Tại cuộc gặp mặt này, phía VNT cho rằng sự việc mâu thuẫn giữa hai đơn vị bị đẩy lên cao trào là do trong thời gian qua, cả hai bên đã tự suy diễn theo ý của mình mà không có sự trao đổi, thống nhất. Còn ông Nguyễn Sỹ Công tại buổi gặp mặt đã gửi lời xin lỗi đến VNT, đồng thời mong muốn hai bên sẽ cùng tìm ra cách giải quyết sự việc một cách hợp lý, hạn chế được tối đa thiệt hại cho cả hai.