|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ 'nước mắm có arsen': Có hay không chiến dịch truyền thông bẩn?

10:51 | 22/10/2016
Chia sẻ
Xung quanh việc Vinastas tổ chức kiểm nghiệm và công bố thông tin nước mắm nhiễm arsen, dư luận không thể không nghi ngờ có một chiến dịch “truyền thông bẩn” bởi nhiều sự trùng hợp và bất thường của sự kiện này.
vu nuoc mam co arsen co hay khong chien dich truyen thong ban
Đóng gói nước mắm tại Phú Quốc (Kiên Giang) để vận chuyển về TP HCM (Nguồn: Nguyễn Công Thành)

Việc có ai đứng đằng sau điều khiển giật dây sự kiện này hay không sẽ được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, cùng với những sai phạm của những người tổ chức khảo sát và công bố thông tin, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống hiện nay đang lao đao với thông tin này.

Siêu thị, đại lý trả hàng, doanh nghiệp đối mặt khó khăn

Ông Huỳnh Ngọc Diệp - chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty CP thủy sản 584 Nha Trang (nước mắm 584), đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống lớn nhất tỉnh Khánh Hòa - cho biết dù chưa thống kê thiệt hại nhưng thông tin của Vinastas đã tác động tiêu cực đến hoạt động của DN này.

Nhiều khách hàng, đại lý đã mang các sản phẩm nước mắm trả lại cho DN.

Một số đại lý ở TP.HCM không nhận khoảng 400 thùng (hàng ngàn lít) đã ký sau khi nghe thông tin về việc sản phẩm có hàm lượng arsen vượt quy định.

“Một số siêu thị đã yêu cầu chúng tôi kiểm nghiệm arsen tổng (không phân biệt arsen hữu cơ hay vô cơ), nếu không sẽ không nhận hàng đã ký mua. Chính các siêu thị còn hoang mang bởi thông tin từ Vinastas nói gì đến người tiêu dùng” - ông Diệp than thở.

Theo ông Nguyễn Hoài Sơn - chủ DN nước mắm Châu Sơn (Nha Trang), nước mắm truyền thống thường hàm lượng đạm cao, mà độ đạm càng cao thì lượng arsen hữu cơ (có trong cá) càng cao.

Trong khi đó, việc Vinastas công bố thông tin mập mờ (không nói rõ vô cơ và hữu cơ) làm người tiêu dùng hoang mang, không dám sử dụng các loại nước mắm truyền thống, khiến DN lao đao.

Theo các DN sản xuất nước mắm, tại nhiều chợ trên toàn quốc, có đơn vị cho người photo danh sách các hãng nước mắm có lượng arsen vượt ngưỡng, khuyến cáo rằng là sẽ gây độc hại với người tiêu dùng để cung cấp cho các tiểu thương và người tiêu dùng.

Đặc biệt, kèm theo danh sách này là quảng cáo nước mắm công nghiệp của DN là an toàn với thạch tín.

Đưa cho chúng tôi xem tờ rơi khuyến cáo nước mắm có chứa arsen, giám đốc một DN bức xúc đặt câu hỏi: “Vinastas nói chưa công bố danh sách và làm độc lập, tại sao danh sách này được gửi đi và DN kịp đăng quảng cáo khẳng định nước mắm 
mình an toàn?”.

Ông Đỗ Hữu Việt - chủ tịch Hiệp hội nước mắm TP Nha Trang - cho rằng trong khi các DN sản xuất nước mắm truyền thống đã xuất sản phẩm sang nhiều thị trường khó tính, trong đó địa phương này có ba DN đang xuất nước mắm (tiểu ngạch) sang các thị trường khó tính như EU và Mỹ, tức nước mắm truyền thống an toàn với sức khỏe.

Quy trình lấy mẫu có đúng chuẩn?

Trong thông cáo báo chí phát ra ngày 21-10, Vinastas cho biết nhóm khảo sát đã chọn đối tượng khảo sát là những loại nước mắm mà người tiêu dùng VN thường dùng cho bữa ăn hằng ngày trong gia đình.

Đặc biệt, theo phụ lục báo cáo kết quả khảo sát của Vinastas, “việc lấy mẫu khảo sát được tiến hành theo phương thức mua mẫu như người tiêu dùng bình thường tại 10 tỉnh, 
TP trong cả nước”.

Cụ thể, tại mỗi tỉnh, TP việc mua mẫu được thực hiện ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng đặc sản và cửa hàng phân phối của các nhãn hàng.

Theo Vinastas, “đây là chương trình khảo sát của người tiêu dùng nên mẫu được mua bất kỳ trên thị trường như người tiêu dùng bình thường. Kết quả khảo sát được công bố để thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ”.

Theo các chuyên gia, chưa bàn đến động cơ chỉ kiểm tra hàm lượng arsen thay vì sáu kim loại nặng như trong bộ quy chuẩn cũng như việc rầm rộ công bố mập mờ về lượng arsen vượt ngưỡng, cách thức tổ chức lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm của Vinastas chưa đúng quy định.

TS Nguyễn Xuân Niệm, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Kiên Giang, cho rằng muốn lấy mẫu chuẩn đem phân tích để có giá trị pháp lý thì chuyên viên phải có chứng chỉ lấy mẫu và phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế như lấy bao nhiêu mẫu, lấy mẫu khi nào, mẫu lưu ra sao, nơi gửi phân tích ở đâu.

“Nếu không làm đúng quy định, kết quả công bố không có giá trị pháp lý và thậm chí gây hiệu ứng ngược, gây ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, cản trở sản xuất” - ông Niệm khẳng định.

Theo chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính, muốn có kết quả kiểm nghiệm chính xác, đơn vị lấy mẫu phải tuân theo quy trình lấy mẫu và gửi kiểm nghiệm tại các cơ sở kiểm nghiệm được Chính phủ quy định, nếu đảm bảo quy trình lấy mẫu và quy trình kiểm nghiệm, kết quả kiểm nghiệm mới có căn cứ.

vu nuoc mam co arsen co hay khong chien dich truyen thong ban
Ảnh minh họa (Nguồn: Tuổi trẻ Online)

Có bất thường? Trong khi nhiều DN sản xuất nước mắm truyền thống lao đao trước thông tin “nước mắm có hàm lượng arsen vượt quy định”, những diễn biến xung quanh việc kiểm tra, kiểm nghiệm và công bố thông tin của Vinastas có những dấu hiệu khá bất thường với nhiều sự trùng hợp kỳ lạ.Có bất thường?

Như Tuổi Trẻ đã thông tin trước đó, ngay trong ngày Vinastas công bố thông tin trên trang web của mình “đặc biệt, có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) - một loại á kim cực độc”, các DN có sản phẩm nằm trong danh sách này đã bị “rò rỉ” và lan tràn trên mạng, gây hoang mang 
cho người tiêu dùng.

Trước đó ngày 10-10, trong văn bản gửi Bộ Y tế, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế và cục trưởng Cục an toàn thực phẩm chỉ đạo “thanh tra toàn diện việc tuân thủ quy định về giới hạn kim loại nặng trong thực phẩm, đặc biệt là arsen (thạch tín) trong nước mắm”.

Cũng trong văn bản này, Công ty Masan nhấn mạnh “thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại VN đang ở mức báo động...

Trong đó, việc không tuân thủ “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm” (QCVN 8-2:2011/BYT), theo đánh giá của chúng tôi là nghiêm trọng vì có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng...”.

Trong khi chờ động thái từ Bộ Y tế, ngày 14-10, DN này đã gửi giấy đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm đến Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Dương.

Và đến ngày 20-10, ba ngày sau khi Vinastas tung ra thông tin “... có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) - một loại á kim cực độc”, trên một tờ báo đã xuất hiện quảng cáo của DN này với slogan “chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn”, kèm theo đó là hình ảnh các sản phẩm với “cam kết đạt chuẩn an toàn thạch tín”!

Ông Đinh Thiên Thuận - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bình Dương - cho biết theo quy định, với các quảng cáo thực phẩm thuộc đối tượng phải xin xác nhận nội dung quảng cáo, cơ quan này sẽ trả kết quả sau 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ.

“Tuy nhiên tới chiều 18-10, do DN này cử người tới hỏi kết quả, chúng tôi đối chiếu nội dung quảng cáo “đảm bảo an toàn arsen” là đúng với thông báo tiếp nhận công bố hợp quy nên đã ký trả kết quả xác nhận nội dung quảng cáo trong chiều 18-10” - ông Thuận nói.

Đề nghị xử lý việc quảng cáo không đúng

Trong công văn vừa gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), hội nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang và Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề nghị kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại của thông cáo báo chí của Vinastas ngày 17-10 đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và có biện pháp xử lý phù hợp để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng “nước mắm có hàm lượng arsen”, thực chất là không gây hại nhưng gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo không đúng.

---

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia quảng cáo cho rằng chưa nói đến sự trùng hợp của các sự kiện, nội dung quảng cáo của DN này là chưa chuẩn xác và gây hiểu lầm đối với người tiêu dùng, thậm chí gây ảnh hưởng đến sản phẩm của các DN khác.

Theo vị này, trong khi bộ quy chuẩn của Bộ Y tế chỉ quy định hàm lượng arsen vô cơ, không có arsen hữu cơ nhưng quảng cáo này chỉ ghi chung chung là “an toàn thạch tín”.

“Với sự mập mờ này, vô hình trung DN này sẽ khiến người tiêu dùng hiểu rằng những sản phẩm có hàm lượng arsen vượt chuẩn như Vinastas công bố là độc hại, đồng thời quay lưng với sản phẩm nước mắm truyền thống” - vị này nói.

Theo Nhóm PV

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.