|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vụ khách tố ngân hàng làm mất gần 9 tỷ: Luật sư nói gì?

07:14 | 28/03/2017
Chia sẻ
Theo luật sư, dù sự việc có như thế nào, thì ngân hàng bao giờ cũng là đối tượng phải chịu trách nhiệm đầu tiên...
vu khach to ngan hang lam mat gan 9 ty luat su noi gi
LS.Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico.

Như thông tin BizLIVE đã phản ánh, mới đây, một khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) là bà Nguyễn Bạch Mai, ngụ tại Cầu Giấy, Hà Nội, đã có đơn khiếu nại gửi đến ngân hàng về việc bị mất số tiền 9 tỷ đồng.

Trong đơn khiếu nại, bà Mai cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 6/2016, bà đã gửi tiền vào ngân hàng NCB chi nhánh Hà Nội, tại phòng giao dịch số 14, địa chỉ 298 Trần Khát Chân, Hà Nội với tổng số tiền cả lãi và gốc tính đến ngày 6/1/2016 là 8,7 tỷ đồng.

Bà Mai cho biết, trong thời gian đầu bà gửi tiết kiệm, tuy nhiên, sau đó được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng giao dịch số 14 tư vấn chuyển từ dạng tiết kiệm sang bảo lãnh ngân hàng với lãi suất cao lên tới 12%/năm.

Ban đầu không đồng ý, tuy nhiên, sau khi được bà Hà thuyết phục và khẳng định tiền vẫn nằm trong ngân hàng, lúc nào cần rút cũng sẽ được giải quyết, bà Mai đã đồng ý. Bà Hà sau đó đề nghị bà Mai ký các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm để chuyển sang dạng chứng từ của ngân hàng.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, khi gia đình có nhu cầu rút tiền, bà Mai liên lạc với bà Hà để rút tiền thì bà Hà nói cho người mang tiền đến nhưng nhiều lần hứa vẫn không làm.

Ngân hàng khẳng định “không liên quan”

Sau nhiều lần yêu cầu bà Hà trả tiền không được, gần một năm sau (tháng 1/2017) bà Mai mới trực tiếp đến NCB để yêu cầu rút tiền. Tại đây, nhân viên NCB cho biết số tiền theo Sổ tiết kiệm của bà Mai đã được tất toán với đầy đủ chữ ký của bà Mai và ngân hàng không có bất cứ sản phẩm nào liên quan đến Bảng kê tiền gửi này. Trước tình hình đó, bà Mai đã làm đơn lên Thanh tra NHNN và ngân hàng NCB đề nghị ngân hàng, kiểm tra giải quyết.

NCB cho biết, sau khi nhận được đơn, ngân hàng đã tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy, năm 2012, bà Mai có gửi một số sổ tiết kiệm tại Phòng giao dịch 14 – NCB. Tuy nhiên cho đến thời điểm 6/10/2015, toàn bộ tiền gửi tiết kiệm của bà Mai đã được làm thủ tục tất toán.

Sau thời điểm đó cho đến thời điểm kiểm tra, bà Mai không còn khoản tiền nào gửi vào NCB. Kiểm tra chứng từ các lần gửi và rút tiền của bà Mai đều hợp pháp, phù hợp quy định của pháp luật và của NCB.

Cùng đó, NCB khẳng định, “trên thực tế, NCB không có sản phẩm bảo lãnh này, và các giao dịch bà Mai cung cấp không được hạch toán trong hệ thống mà chỉ là thỏa thuận cá nhân giữa bà Hà với bà Mai. Tuy nhiên, bà Hà đã không lập giấy vay tiền với bà Mai, mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ký đóng dấu trên các tờ bảng kê tiền gửi rồi đưa cho bà Mai. Giấy này do bà Hà tự lập ra, không thuộc biểu mẫu và chứng chỉ do ngân hàng cung cấp, không tuân thủ theo mẫu quy định của NCB”.

NCB cũng khẳng định, “việc giao dịch số tiền 8,993 tỷ đồng của bà Mai nêu trên là giao dịch cá nhân giữa bà Hà và bà Mai trong quan hệ vay mượn, không liên quan đến NCB và các cán bộ nhân viên NCB”.

Do bà Hà đã nghỉ việc từ tháng 9/2016 nên phía NCB đã nhiều lần gửi giấy mời bà Hà đến làm việc, nhưng bà Hà đều không có mặt. Đối chiếu các chứng từ bà Mai cung cấp, NCB cho biết, xem xét tính chất vụ việc có những dấu hiệu sai phạm cá nhân liên quan đến bà Nguyễn Thị Thu Hà nên đã chuyển hồ sơ sang Công an Thành phố Hà Nội để điều tra.

Luật sư nói gì?

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico cho rằng, việc ngân hàng khẳng định không liên quan là không đúng. “Trong vụ việc này, ngân hàng là bên có liên quan trực tiếp. Về nguyên tắc, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu các bên không thể đi đến thống nhất, thoả thuận được thì phải xử lý theo trình tự pháp luật. Khách hàng có quyền kiện ra toà hoặc yêu cầu cơ quan công án xử lý nếu có dấu hiệu tội phạm”, luật sư nói.

Đối với cá nhân bà Nguyễn Thị Thu Hà, luật sư Đức cho rằng, đối tượng bà Hà cần nhận trách nhiệm là với ngân hàng chứ không phải là với khách hàng.

“Bà Hà tham ô thì chịu trách nhiệm tham ô, lừa đảo thì chịu trách nhiệm lừa đảo. Đó là đại diện ngân hàng, do đó, dù làm đúng hay làm sao, lừa hay không lừa, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm. Đó là nguyên tắc”.

Theo luật sư, dù sự việc có như thế nào, thì ngân hàng bao giờ cũng là đối tượng phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

“Tuy nhiên, trên thực tế, việc mất tiền xảy ra quá nhiều, phản ứng đầu tiên của các ngân hàng là từ chối, lắc đầu, không chịu trách nhiệm. Điều này sẽ dẫn đến việc ngân hàng mất uy tín, mất niềm tin đối với người gửi tiền. Do đó, cần phải xem xét lại hệ thống pháp luật và việc áp dụng việc thực hiện pháp luật. Bởi, nếu cứ duy trì hệ thống như hiện nay, khách hàng sẽ luôn là người chịu thiệt, có nguy cơ mất tiền và do đó, họ không thể yên tâm khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Trần Thúy