|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vụ bê bối thịt bẩn Brazil: Xuất khẩu của Brazil có nguy cơ suy giảm khoảng 3,5 tỷ USD

09:57 | 26/03/2017
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu thịt của Brazil đã giảm đáng kể trong tuần qua kể từ khi vụ bê bối thịt bẩn liên quan tới một đường dây nhận hối lộ được cảnh sát công bố vào hôm 18/3 vừa qua.
vu be boi thit ban brazil xuat khau cua brazil co nguy co suy giam khoang 35 ty usd

Vụ bê bối thịt bẩn Brazil: Xuất khẩu của Brazil có nguy cơ suy giảm khoảng 3,5 tỷ USD. Ảnh: reuters

Ngày 25/3, Hiệp hội thịt động vật Brazil cho biết kim ngạch xuất khẩu thịt của nước này đã giảm đáng kể trong tuần qua kể từ khi vụ bê bối thịt bẩn liên quan tới một đường dây nhận hối lộ được cảnh sát công bố vào hôm 18/3 vừa qua.

Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn nguồn tin từ cơ quan trên cho biết nhiều quốc gia đã ra lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Brazil do lo ngại chất lượng không đảm bảo khiến kim ngạch xuất khẩu thịt lợn và thịt gia cầm giảm tới 22% so với mức trung bình trong tuần qua.

Tuy nhiên, con số thống kê đối với sản phẩm thịt bò không được công bố.

Cho tới thời điểm hiện tại, cảnh sát Brazil đã bắt giữ và truy tố 100 người, đa số là các nhân viên kiểm dịch, vì tội nhận hối lộ để cấp giấy phép cung cấp thịt ôi thiu ra thị trường, làm giả giấy chứng nhận thịt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc bỏ qua khâu giám sát hoạt động của các nhà máy đông lạnh.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo giới tại Sao Paulo, Bộ trưởng Kế hoạch Brazil Dyogo Oliveira tuyên bố còn quá sớm để xác định được tác động của vụ việc đối với nền kinh tế, song ông thừa nhận vụ bê bối sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu của nước này.

Hai tập đoàn xuất khẩu thịt gia cầm và thịt bò số một thế giới là BRF và JBS có trong danh sách 20 công ty đang bị điều tra vì tình nghi có dính líu tới vụ bê bối.

Tuy nhiên, BRF và JBS khẳng định sản phẩm xuất khẩu của họ tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thẩm phán liên bang Marcos Josegrei da Silva, người đang thụ lý điều tra vụ bê bối thịt bẩn, cho rằng chưa thể khẳng định các sản phẩm thương mại của các công ty nói trên làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng hay các sản phẩm xuất khẩu không đạt chất lượng an toàn vệ sinh.

Ông Da Silva cho rằng những người tham gia đường dây nhận hối lộ là con số rất nhỏ trong tổng số các nhân viên kiểm dịch chất lượng thịt trên toàn quốc.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ trả lại Brazil những lô hàng bị tình nghi không đủ tiêu chuẩn chất lượng và tăng cường giám sát việc nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu thịt bò của Brazil sang EU trong năm ngoái đạt 486 triệu USD và thịt gia cầm đạt 165 triệu USD.

Hong Kong (Trung Quốc) -thị trường nhập khẩu thịt bò lớn nhất của Brazil- cũng thông báo loại bỏ tất cả các sản phẩm của 21 công ty Brazil đang bị điều tra trong vụ bê bối khỏi các siêu thị.

Kim ngạch nhập khẩu thịt từ Brazil của thị trường này lên tới 1 tỷ USD vào năm ngoái.

Mexico và Nhật Bản vẫn tiếp tục cấm nhập thịt từ Brazil.

Bộ Nông nghiệp Brazil ngày 25/3 thông báo Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép nhập khẩu trở lại sản phẩm thịt của nước Nam Mỹ sau khi đóng cửa từ ngày 20/3.

Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu thịt Brazil với kim ngạch lên tới 2 tỷ USD. Ai Cập và Chile cũng cho phép mở cửa trở lại.

Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số 1 thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu thịt lợn. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đạt tới 11,6 tỷ USD.

Hiện các sản phẩm thịt của Brazil đã có mặt tại 150 quốc gia, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt toàn thế giới.

Vụ việc trên có thể khiến Brazil phải đối mặt với nguy cơ suy giảm kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ USD, tương đương với 0,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

TTXVN

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.