Vụ án đánh bạc ngàn tỉ: Nhà mạng, ngân hàng có vô can?
Bị cáo Phan Sào Nam được dẫn tới tòa ngày 16-11 - Ảnh: Nam Trần |
Chính nhà mạng, ngân hàng giúp chuyển tiền thật thành ảo, chuyển tiền ảo thành thật trong vụ việc này.
Cáo trạng nêu: 3 nhà mạng và các ngân hàng đã thu lợi bất hợp pháp hàng ngàn tỉ đồng từ hoạt động đánh bạc này và yêu cầu thu hồi toàn bộ số tiền bất hợp pháp.
Vậy trách nhiệm của nhà mạng và ngân hàng đến đâu?
"Giúp" đổi tiền thật ra tiền ảo và ngược lại
Theo cáo trạng vụ án đánh bạc đang được TAND tỉnh Phú Thọ xét xử, để thực hiện được hành vi đánh bạc, người chơi có tài khoản được mở tại ngân hàng (thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế có kết nối thanh toán với cổng thanh toán quốc gia Napas và các cổng thanh toán của Đài Loan, Hàn Quốc).
Sau đó người chơi mở tài khoản chơi game rồi mua tiền ảo (rik) từ đại lý game. Mua tiền ảo bằng tiền thật qua chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng. Nếu người chơi thắng, đại lý sẽ thu mua lại rik bằng tiền mặt, chuyển qua tài khoản ngân hàng cho người chơi.
Người chơi còn có thể mua thẻ cào của các nhà mạng rồi nạp vào tài khoản game của mình, sau đó quy đổi ra tiền ảo để đánh bạc. Nếu thắng, người chơi có thể dùng tiền ảo quy đổi ra thẻ cào (tiền thật). Đây chính là một trong những hình thức được sử dụng phổ biến trong vụ án đánh bạc này.
Nhà mạng, ngân hàng đã làm đúng chức năng?
Luật sư Trần Hồng Phúc, người tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa, cho biết nghị định 25 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật viễn thông cho thấy thẻ cào chỉ dùng cho mục đích viễn thông. Nghĩa là chỉ sử dụng để nạp thẻ điện thoại và sử dụng Internet. Vậy tại sao trong vụ đánh bạc này và nhiều vụ khác nữa, việc cào thẻ đổi từ tiền thật sang tiền ảo và ngược lại vẫn được thực hiện mà nhà mạng vô can?
Ngoài ra, luật sư Phúc cũng đặt hàng loạt câu hỏi đối với trách nhiệm của các ngân hàng: Nếu không có cổng thanh toán quốc gia Napas (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước), những người chơi game có thể dễ dàng trao đổi, mua bán tiền ảo như vậy không? Khi thẩm vấn tại phiên tòa, các bị cáo đều trả lời mọi giao dịch mua, bán tiền ảo (rik) đều ghi rõ trong lệnh chuyển tiền, chẳng lẽ các ngân hàng đều không biết các giao dịch như vậy là bất hợp pháp? Napas kiểm soát các giao dịch bất hợp pháp mà cũng không nhận ra?
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng ngân hàng phạm luật rất nghiêm trọng, cụ thể là tiếp tay cho hành vi rửa tiền. Và ông Đức nói rằng ở đây phải xử lý trách nhiệm pháp nhân đối với các đơn vị trên, vì nếu không xử lý thì rất không ổn.
Đồng ý với quan điểm của luật sư Đức dưới góc độ chống rửa tiền, luật sư Trần Minh Hải cho rằng ngân hàng có trách nhiệm lớn nhất với việc chống rửa tiền trong vụ án này.
Có thể coi là đồng phạm?
Luật sư Trần Hồng Phúc nói: "Các trò chơi đánh bạc qua mạng đều quảng cáo công khai, việc sử dụng thẻ cào để chơi game cũng được các tiệm game trưng biển công khai. Nếu chưa xem xét đồng thời trách nhiệm của các nhà mạng trong vụ án này với vai trò tham gia vận hành game bài đổi thưởng, có dấu hiệu của hành vi tổ chức đánh bạc đã làm cho vụ án chưa được toàn diện".
Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định có lỗ hổng rất lớn trong ngân hàng liên quan đến việc chuyển tiền thật mua bán tiền ảo. Ông Đức nói: "Không phải ngân hàng không biết, thậm chí biết rất rõ nhưng không biết thuộc trách nhiệm ai. Thực tế, đại lý game thực hiện chức năng thanh toán thì vi phạm Luật các tổ chức tín dụng, vì họ không phải các tổ chức tín dụng thực hiện các chức năng thanh toán; còn các tổ chức tín dụng thì vi phạm Luật phòng chống rửa tiền".
Trong khi đó, khi nói về trách nhiệm của nhà mạng và ngân hàng, một lãnh đạo viện kiểm sát đang làm việc tại TP.HCM cho rằng nếu chứng minh được số tiền giao dịch lớn thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với những giao dịch đáng ngờ. Thậm chí có thể coi là đồng phạm đối với những người tổ chức đánh bạc.
"Việc giao dịch nhiều những khoản tiền đáng ngờ phía ngân hàng có thể điều tra theo hướng lần theo chuyển động của dòng tiền để truy ra. Do vậy, ngân hàng không thể không liên đới trách nhiệm" - vị này nói.
Đi tù vì tưởng dịch vụ hợp pháp
Là một người chơi game trên mạng (một hình thức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet) đã bị TAND TP.HCM xử án treo, anh Q. (Phú Nhuận, TP.HCM) nói rằng bản thân anh thấy quảng cáo công khai các trò chơi trên mạng, việc nạp tiền cũng là từ các dịch vụ được phép của VN nên không nghĩ mình phạm pháp.
Anh Q. nói: "Tôi chơi vì tin tưởng vào những tổ chức đang hoạt động và kinh doanh hợp pháp trên đất nước mình, nhưng lại bị khép tội đánh bạc".