|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn tự có của các ngân hàng giảm có đáng ngại?

07:18 | 12/04/2019
Chia sẻ
Vốn tự có của các nhà băng giảm nhẹ trong tháng đầu năm nay trong khi tổng tài sản vẫn tăng, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) giảm.
Vốn tự có của các ngân hàng giảm có đáng ngại? - Ảnh 1.

Vốn điều lệ của các ngân hàng năm 2018

Vốn tự có giảm dù vốn điều lệ tăng

NHNN Việt Nam vừa công bố số liệu thống kê về một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của các TCTD tại thời điểm 31/1/2019. Theo đó, tổng tài sản của hệ thống các TCTD tiếp tục tăng nhẹ 0,57% trong tháng đầu năm lên 11.127.336 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trừ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có tổng tài sản giảm, tất cả các khối khác đều ghi nhận mức tăng nhẹ.

Hiện dẫn đầu hệ thống về quy mô tổng tài sản vẫn là khối NHTM Nhà nước với 4.869.566 tỷ đồng (tăng 0,13% so với cuối năm 2018). Đứng thứ hai là khối NHTMCP với 4.586.876 tỷ đồng (tăng 0,70%). Khối ngân hàng liên doanh– nước ngoài xếp thứ ba với 1.161.087 tỷ đồng (tăng 2,15%).

Trong khi đó, vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng vẫn tăng 0,16% trong tháng đầu năm nay lên 577.240 tỷ đồng, nhờ khối NHTM Nhà nước và QTDND. Theo đó, trong tháng 1, vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước tăng thêm 1.111 tỷ đồng (tăng 0,75%) lên 149.001 tỷ đồng, do vốn điều lệ của Vietcombank tăng từ 35.978 tỷ đồng lên 37.089 tỷ đồng. Trong khi đó vốn điều lệ của khối NHTMCP vẫn giữ nguyên ở mức 267.234 tỷ đồng; còn vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài giảm 0,21% xuống 113.253 tỷ đồng.

Do vốn tự có giảm trong khi tổng tài sản tăng nên tính đến cuối tháng 1/2019, hệ số CAR của hệ thống đã giảm về còn 11,57% từ mức 12,14% của cuối năm 2018. Trong đó CAR của cả 3 khối NHTM Nhà nước, NHTMCP và ngân hàng liên doanh – nước ngoài đều giảm, lần lượt là 9,31% (giảm 0,21 điểm phần trăm); 10,56% (giảm 0,68 điểm phần trăm) và 23,53% (giảm 2,35 điểm phần trăm).

Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống tại thời điểm cuối tháng 1 là 28,77%, tăng nhẹ một chút so với mức 28,41% của cuối năm 2018.

Không có gì bất thường

Theo một chuyên gia ngân hàng, việc vốn tự có của hệ thống ngân hàng giảm không có gì đáng ngại và điều đó cũng đã diễn ra từ năm 2018. “Vốn tự có của các nhà băng được hình thành từ vốn điều lệ, lợi nhuận không chia tích lũy, các quỹ và các tài sản nợ khác được tính vào vốn. Vì thế, vốn tự có của các nhà băng thường có xu hướng tăng dần về cuối năm, chủ yếu do lợi nhuận tích lũy và các quỹ tăng”, vị chuyên gia này phân tích.

Cũng bởi vậy, việc vốn tự có của các nhà băng giảm trong những tháng đầu năm cũng không có gì bất thường, do việc chi trả lương, thưởng cho cán bộ hoặc chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Tuy nhiên theo vị chuyên gia nói trên, việc vốn tự có của các nhà băng giảm trong 2 năm gần đây một phần cũng do quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN. Theo đó, từ tháng 2/2018 đến hết 31/12/2018, các TCTD phải trừ 25% giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp TCTD khác phát hành khỏi vốn tự có cấp 2. Từ 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019, mức trừ là 50%; từ 1/1/2020 phải trừ 75% và từ 1/1/2021 phải trừ toàn bộ giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp.

“Biện pháp này sẽ khiến các TCTD không thể mua công cụ nợ của nhau, làm cho việc tăng vốn đôi khi chỉ là vốn ảo”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết, điều đó cũng có nghĩa vốn tự có của các nhà băng có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm từ nay tới năm 2021, song mức độ giảm là không lớn và cũng không đáng ngại.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là việc CAR của khối NHTM Nhà nước vẫn giảm, cho dù tốc độ tăng trưởng tổng tài sản thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn tự có. Điều đó có nghĩa mức độ rủi ro của tài sản trong khối này đang có xu hướng tăng cao hơn. Trong bối cảnh việc tăng vốn của các NHTM Nhà nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu không quản lý tốt chất lượng tài sản, CAR của khối này có thể không đảm bảo theo chuẩn Basel II.

Hà Anh