|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI vào dệt may đang chững lại

06:38 | 23/09/2016
Chia sẻ
Khác với hai năm trước là thời điểm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào ngành dệt may tăng cao đột biến, từ đầu năm đến nay nguồn vốn này đang có xu hướng chậm lại.
von fdi vao det may dang chung lai
Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt may trong những tháng đầu năm nay có vẻ im ắng hơn so với hai năm trước. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Theo giới chuyên gia trong ngành, trong năm 2014 và 2015 nhiều doanh nghiệp dệt may nước ngoài tăng tốc đầu tư vào Việt Nam với quy mô vốn lớn là nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua để hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, nhưng từ đầu năm đến nay thông tin về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này ở Việt Nam có vẻ im ắng.

Tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt và may - VTG 2016 mói đây (20-9), ông Nguyễn Hồng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho rằng có thể là do tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống của nước Mỹ nên các doanh nghiệp nước ngoài đang nghe ngóng tình hình và thận trọng hơn trong quyết định đầu tư.

Ông Giang tạm chia làn sóng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may vào Việt Nam thành ba nhóm, nhóm đầu thuộc những doanh nghiệp, tập đoàn lớn (chủ yếu là những doanh nghiệp Trung Quốc hoặc các nước khác đang hoạt động ở Trung Quốc), và những doanh nghiệp này đã nhanh chóng đầu tư phát triển dự án mới vào Việt Nam trong hai năm qua nhằm đón đầu cơ hội TPP.

Nhóm thứ hai là những doanh nghiệp cũng có quy mô vốn khá lớn nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài hoặc còn rất thận trọng khi đầu tư sang một nước khác. Ở điều kiện hiện nay của Việt Nam nếu không có thông tin gì mang tính cản trở thì có thể làn sóng thứ hai đầu tư vào dệt may của Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp này. Tuy nhiên giờ đây họ đang chờ đợi về thông tin bầu cử ở Mỹ (do việc thông qua TPP tại Mỹ còn ít nhiều phụ thuộc vào kết quả bầu cử này) cũng như xem có doanh nghiệp Trung Quốc đi trước đầu tư thành công rồi họ mới đi theo.

Làn sóng thứ ba thuộc nhóm những doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ hơn thì phải sau nhóm doanh nghiệp thứ hai nữa.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM, cũng cho rằng từ đầu năm đến nay thông tin về đầu tư của doanh nghiệp dệt may của nước ngoài vào Việt Nam khá im ắng so với hai ba năm trước đây. Cũng theo ông Hồng, các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam có thể cũng chậm hoặc kéo dài thời gian triển khai hơn so với kế hoạch do họ chờ đợi tin tức về bầu cử ở Mỹ.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hồng Giang khẳng định, môi trường đầu tư Việt Nam hiện vẫn còn khá hấp dẫn với các nhà đầu tư dệt may nước ngoài. Chưa biết kết quả TPP sẽ như thế nào nhưng Việt Nam còn có những lực kéo hỗ trợ khác cho nhà đầu tư thông qua các Hiệp định thương mại tư do (FTA) với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu,... Đáng chú ý là chi phí sản xuất của Việt Nam khá cạnh tranh so với các nước khác.

Dẫn nguồn từ khảo sát gần đây của Hiệp hội Dệt may thời trang Mỹ, ông Giang cho biết có tới 68,8% các thương hiệu nhà bán lẻ, thương hiệu ngoại yêu cầu chọn Việt Nam là điểm dịch chuyển tiếp theo thay vì Trung Quốc. Do đó, thời gian tới sẽ tiếp tục có làn sóng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.

Liên quan đến xuất khẩu dệt may Việt Nam, ông Giang cho biết, trong 8 tháng đầu năm kim ngạch toàn ngành mới đạt 18,7 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù xuất khẩu vẫn tăng trưởng dương nhưng so với mức tăng trưởng của các năm trước cũng như mục tiêu đề ra thì tốc độ này đang chậm lại và thấp hơn mục tiêu do tình trạng thiếu đơn hàng và nhu cầu của thị trường thế giới sụt giảm. Điều này dẫn đến sản xuất trong nước đình trệ, nhiều doanh nghiệp nhỏ phải thu hẹp sản xuất, không đầu tư mới...

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu tình trạng này kéo dài, xuất khẩu toàn ngành khó đạt được 29 tỉ đô la Mỹ chứ chưa nói tới mục tiêu 31 tỉ đô la Mỹ đưa ra hồi đầu năm. Nguyên nhân là do ngành này đang phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka. Ấn Độ là những nước đang tập trung nguồn lực cũng như chính sách từ phía nhà nước để phát triển ngành dệt may. Ngoài ra, Campuchia, Myanmar... được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU.

Bên cạnh yếu tố bên ngoài, chính sách trong nước không “nuôi dưỡng” mà lại gây áp lực tới doanh nghiệp như việc tăng lương tối thiểu và một số quy định kiểm tra chuyên ngành không hợp lý.

Về tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may, theo tìm hiểu của ông Phạm Xuân Hồng, các doanh nghiệp phản ánh hai tuần trở lại đây không có đơn hàng để làm chứ đừng nói đến chuyện tăng ca. Như vậy có thể thấy, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Theo ông Hồng, ngành may Việt Nam không chỉ gặp khó khăn ở các thị trường xuất khẩu mà còn đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất may mặc trong khu vực, nhất là Campuchia. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, chọn nguồn nguyên liệu tốt, giảm chi phí sản xuất và tập trung làm hàng FOB thay vì chỉ gia công đơn thuần như trước đây.

Theo Hùng Lê

TBKTSG