|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Với Apple Card, gã khổng lồ 'Táo khuyết' đang khiêu chiến hay bắt tay với ngân hàng?

19:23 | 23/08/2019
Chia sẻ
Mối quan hệ giữa ông lớn công nghệ Apple và các ngân hàng có thực sự là một cuộc chiến hay cú bắt tay ngầm trị giá tỉ đô?

"Thung lũng Silicon đang ăn bữa trưa của giới ngân hàng", Financial Times tuyên bố trong một bài viết gần đây. Các công ty công nghệ lớn rõ ràng đang tiếp quản và cung cấp các dịch vụ vốn là độc quyền của ngân hàng như thẻ tín dụng, ngoại hối, các khoản vay và dịch vụ thanh toán.

Tuy nhiên, bánh xe kinh tế đang quay và các ngân hàng không còn vấp phải hàng tá sao kê tồi tệ hay giấy báo tiền phạt khổng lồ. Đồng USD mạnh mẽ đã thắt chặt đáng kể các điều kiện tín dụng toàn cầu, ngay cả với mức lãi suất thấp nhất mọi thời đại. Các nền kinh tế trên thế giới đã dần bước qua giai đoạn suy giảm. 

Vì vậy, mọi người có thể tin rằng các công ty công nghệ sẽ vượt qua giới ngân hàng xa hơn những gì họ đã làm trong một thập kỉ vừa qua với điều kiện thuận lợi hơn nhiều? Đó có phải sự lạc quan vô lí đáng kinh ngạc không?

Financial Times (FT) viện dẫn tới thẻ tín dụng Apple vừa được ra mắt như một ví dụ điển hình cho thắng lợi này. 

Ngoài đọc những lời ca ngợi về ưu điểm vượt trội của loại thẻ mới vốn còn gây nhiều hoài nghi, chúng ta hãy xem cách mà Apple tự mô tả sản phẩm của mình:

fg

"Đây là Apple Card. Một loại thẻ tín dụng mới do Apple tạo ra, không phải một ngân hàng" - Ảnh: Forbes.

Đây là một loại thẻ tín dụng, không phải công nghệ giao diện ảo mới nhất và ở thời đại này, không có nhiều bí ẩn thú vị về thẻ tín dụng cần khám phá như một chiếc iPhone mới. 

Thẻ Apple có thể rất lạ mắt (và đắt tiền) nhưng đằng sau đó là một cơ sở tín dụng tiêu chuẩn như mọi thẻ tín dụng khác trên thế giới. 

Vậy ai là người đã bắt tay với Apple?

Các cơ sở thẻ tín dụng về cơ bản vẫn do các ngân hàng phát hành? Thẻ có thể được phân phối và đứng tên bởi một nhà bán lẻ nhưng đơn vị phát hành thực tế luôn là một ngân hàng. 

Nguyên tắc này thậm chí không sai với các nhà bán lẻ khổng lồ như Walmart dù họ chắc chắn đủ khả năng tài chính để cung cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng. 

Thẻ tín dụng Walmart được hỗ trợ bởi Synchrony. Đây cũng là ngân hàng đã phát hành 115 loại thẻ tín dụng khác, bao gồm rất nhiều tên tuổi lớn như Paypal, Amazon Prime và thẻ nhiên liệu cho Chevron và Texaco.

Dòng giới thiệu của Apple ở trên ngụ ý rằng hạn mức tín dụng được cung cấp bởi chính Apple. Nếu đó là sự thật, Apple Pay sẽ là bước đột phá đánh dấu việc Apple thực sự trở thành một ngân hàng và bước vào cạnh tranh trong thị trường tài chính.

Tuy nhiên, dòng tiêu đề sai lệch lại được vạch ra ngay trong một giao diện khác trên chính website của Apple:

fgs

"Tất cả thẻ tín dụng đều cần một ngân hàng phát hành..." - lần "trở mặt" khá khó hiểu của Apple? - Ảnh: Forbes

Đoạn nội dung sau đó lại khẳng định mọi loại thẻ tín dụng đều cần một ngân hàng phát hành và Apple muốn tìm kiếm một đối tác sẵn sàng nhận "thách thức để cải tiến rõ rệt".

Bạn có thể nghĩ rằng Apple sẽ hợp tác với một công ty Fintech với hệ thống dịch vụ tương tự như ngân hàng nhằm tránh các qui định truyền thống để khẳng định tính phi ngân hàng của dòng thẻ mới. Nhưng không, Apple đã chọn một đối tác ngân hàng khét tiếng Goldman Sachs.

Goldman Sachs đang tham gia vào hoạt động nhận tiền gửi và cho vay trên quy mô lớn, được chính phủ hỗ trợ nhiều nhất bởi có tệp khách hàng dễ bị ảnh hưởng nhất. CNN nhận thấy công ty này đã cung cấp nhiều khoản vay trái qui định với lãi suất cao trong dòng sản phẩm tín dụng có tên Marcus.

"Công ty này đã cho vay 4,75 tỉ USD thông qua gói vay cá nhân Marcus và 13% trong số các khoản vay đó dành cho khách hàng có điểm FICO dưới 660 - đối tượng dưới chuẩn được hỗ trợ", theo CNN.

CNN cũng lưu ý rằng Apple, có lẽ với sự chấp thuận của Goldman Sachs, đã đưa ra thông tin về việc những người có điểm tín dụng thấp vẫn có thể nhận được thẻ Apple Pay nếu đáp ứng các tiêu chí khác. 

Cho đến nay, Goldman Sachs dường như đang bán thẻ tín dụng của họ cho các khách hàng của Apple. 

Nhưng liệu Apple có thể nắm lấy cơ hội này như cách họ đang khóa chặt các fan cuồng của iPhone? Goldman Sachs luôn biết cách thu lợi nhuận từ cả hai bên mua và bán. Apple có thể sẽ phải hối tiếc về lần hợp tác mạo hiểm này.

Như vậy, kết luận thẻ tín dụng Apple là bằng chứng cho thắng lợi của các công ty công nghệ trước giới ngân hàng rõ ràng là một sai lầm. Thẻ tín dụng có thương hiệu do một ngân hàng lớn của Mỹ phát hành thậm chí chỉ khẳng định mạnh mẽ hơn sự thống trị của các ngân hàng trong thị trường tín dụng. 

Những gì các công ty công nghệ sẽ làm có chăng chỉ là phân phối lại thị trường theo chiều hướng khác. Goldman Sachs rõ ràng đang hi vọng sẽ hạ gục nhiều đối thủ trong ngành bằng cách tận dụng khả năng của Apple để bán chéo dịch vụ cho những người dùng trung thành với biểu tượng trái táo cắn dở. 

Và Apple đang giúp họ làm điều đó. Các tính năng bảo mật trên thẻ Apple, ưu đãi hoàn tiền mặt tỉ lệ cao thông qua Apple Pay đang thu hút khách hàng ngừng sử dụng thẻ của các hãng tín dụng nhỏ hơn. 

Nếu người dùng Apple bắt đầu chấp nhận thẻ Apple làm phương thức thanh toán chính, Goldman Sachs có thể nhanh chóng chiếm được phần lớn thị trường thẻ tín dụng cá nhân. Đó rõ ràng là tham vọng hàng đầu của họ trong cú bắt tay này.

Điều chúng ta nên lo sợ không phải là sự thất bại hay thắng lợi của giới ngân hàng mà là sức mạnh các công ty công nghệ khổng lồ như Apple có thể trao cho họ. 

Một số chuyên gia cảnh báo Goldman Sachs luôn tìm kiếm cơ hội để khai thác lợi nhuận từ những người dễ bị tổn thương tài chính nhất. 

Và họ không phải ngân hàng duy nhất quan tâm tới nhóm khách hàng am hiểu công nghệ nhưng ngây thơ về tài chính.

Thu Phương