|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNPT, MobiFone nhận lệnh lên sàn

20:55 | 13/01/2017
Chia sẻ
Hai “đại gia” VNPT cùng MobiFone sẽ phải cổ phần hóa từ nay đến năm 2020 và thuộc diện Nhà nước nắm từ 50% đến 65% vốn điều lệ.

7 doanh nghiệp “lên tàu”

VNPT, MobiFone là 2 cái tên được chú ý nhất của ngành thông tin truyền thông trong Danh mục 240 doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, thuộc nhóm 27 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Ngoài VNPT, MobiFone thuộc nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sẽ tiến hành cổ phần hóa, ngành thông tin và truyền thông cũng có thêm 5 doanh nghiệp khác sẽ tiến hành cổ phần hóa trong giai đoạn từ nay tới năm 2020.

vnpt mobifone nhan lenh len san

MobiFone đang phải đối mặt với việc thanh tra thương vụ mua lại Truyền hình An Viên nên lộ trình cổ phần hóa có thể không như dự tính ban đầu.

Đó là, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Tổng công ty truyền hình Cáp Việt Nam (VTV Cab - Đài Truyền hình Việt Nam), Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Truyền hình Viễn thông Việt Nam (TV Broadcom - Đài Truyền hình Việt Nam), Công ty TNHH MTV Điện Ảnh Hà Nội và Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn. Tuy nhiên, với 5 doanh nghiệp này, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Ba nhà mạng VNPT, MobiFone và Viettel hiện đang nắm 97% thị phần viễn thông Việt Nam và đều do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Chính vì vậy, cổ phần hóa và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VNPT và MobiFone là tất yếu và có lộ trình.

Theo TS Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, trong quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp viễn thông, thậm chí thu hồi lại một số giấy phép, chỉ duy trì khoảng 4 doanh nghiệp lớn thì phải tiến hành cổ phần hóa. Ngoài Viettel nên duy trì 100% vốn nhà nước, tại các doanh nghiệp khác như VNPT, MobiFone, Nhà nước chỉ nên nắm ở mức trên 51% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu này còn là cam kết hội nhập, phù hợp với các hiệp ước kinh tế quốc tế đã được Việt Nam ký kết.

Như vậy, theo kế hoạch, tại cả 2 doanh nghiệp viễn thông lớn này, Nhà nước vẫn phải đảm bảo giữ tỷ lệ chi phối nên tỷ lệ trong khoảng từ 51% đến dưới 65% vốn điều lệ được xem là hợp lý.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, VNPT cũng đã đề xuất sở hữu 20% vốn điều lệ của MobiFone. Đây chính là thỏa thuận được đặt ra từ trước đây, thời điểm MobiFone tách khỏi VNPT thuộc sở hữu của Bộ Thông tin và truyền thông.

Ai cán đích ?

Dẫu việc cổ phần hóa VNPT và MobiFone đã được đưa ra, nhưng cái tên nào sẽ về đích trước thì chưa rõ.

Tại VNPT, sau khi cơ bản hoàn thành tái cấu trúc, nhiệm vụ lớn trong 3 năm tới chính là cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết, VNPT đang xây dựng và triển khai phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT trong giai đoạn 2016 – 2020 đảm bảo đúng tiến độ, quy định.

Còn MobiFone, thực ra vốn đã “nhận lệnh” cổ phần hóa từ năm 2014 – thời điểm tách khỏi VNPT. Tuy nhiên, 2 năm qua, MobiFone vẫn loay hoay với nhiều vướng mắc. Vào đầu năm 2016, MobiFone đã hoàn thành việc định giá doanh nghiệp, nhưng hiện lại đang phải đối mặt với việc thanh tra thương vụ mua lại Truyền hình An Viên, mà có khả năng sẽ ảnh hưởng nhất định đến giá trị doanh nghiệp của MobiFone.

Vì vậy, chỉ khi có kết quả cuối cùng về thương vụ này, MobiFone mới có thể triển khai tiếp việc cổ phần hóa, thậm chí sẽ phải định giá lại doanh nghiệp.

Mặc dù phải chịu nhiều áp lực hơn cùng với khả năng khó dự đoán trong cuộc đua “lên sàn”, nhưng MobiFone vẫn là cái tên được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và đánh giá cao.

Hữu Tuấn