|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VNG thành kỳ lân khi Grab chỉ là công ty 'vô danh' tại quê nhà, nhưng hiện các startup Việt vẫn loay hoay với câu hỏi khi nào sẽ IPO trên sàn Mỹ

09:48 | 01/01/2022
Chia sẻ
Grab được coi là 'phát súng' đầu tiên của startup Đông Nam Á đối với nhà đầu tư đại chúng toàn cầu. Nhiều startup Đông Nam Á đã sẵn sàng cho mục tiêu tương tự, trong đó có các công ty Việt Nam.

Grab mở màn "đại tiệc IPO Đông Nam Á" hôm 2/12 trên sàn Nasdaq, Mỹ. Dù xu hướng cổ phiếu không như kỳ vọng, Grab vẫn làm dấy lên hy vọng cho các đợt IPO khác của Đông Nam Á, bao gồm các công ty từ Việt Nam.

Grab lên sàn Mỹ thành công, các startup Việt Nam liệu có nóng mặt? - Ảnh 1.

(Ảnh: Grab).

Báo cáo mới nhất từ Asia Partners cho thấy một nửa trong số 39 startup "kỳ lân" hiện tại tại Đông Nam Á có thể sẽ IPO trong 10 năm tới. Sau Grab và GoTo, những ứng viên tiềm năng có thể kể đến Carousell, Carsome, Carro và Ninja Van.

Nhưng khi nào thì các công ty công nghệ Việt Nam tham gia "đại tiệc" này? Cần chú ý rằng vào năm 2014, khi Grab vẫn là một startup hai năm tuổi với tên gọi MyTeksi ở Malaysia, VNG và Garena là 2 "kỳ lân" duy nhất ở Đông Nam Á.

Hành trình của những công ty này không thể khác nhau hơn. Công ty mẹ của Garena, Sea Group, đã biến thành một công ty niêm yết sàn Mỹ với vốn hoá tới 140 tỷ USD. Shopee, công ty TMĐT của Sea, cũng mạnh mẽ mở rộng ra các thị trường Ấn Độ, Châu Âu và Mỹ Latinh.

Trong khi đó, nỗ lực mở rộng ra quốc tế của VNG vẫn còn khá hạn chế. Mới đây, Bloomberg đưa tin VNG muốn gọi vốn lên tới 300 triệu USD trước khi IPO tại Mỹ. Hồi năm 2017, công ty này có ký biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên sàn Nasdaq. Đến nay, tham vọng này chưa được hiện thực hoá.

Grab lên sàn Mỹ thành công, các startup Việt Nam liệu có nóng mặt? - Ảnh 2.

Năm 2020, Tech in Asia báo cáo rằng so với Indonesia, hệ sinh thái Việt Nam có ít các startup gọi vốn thành công từ vòng Series A trở đi. Từ thời điểm đó, câu chuyện có nhiều sự thay đổi. Trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị đầu tư vào startup Việt Nam lên tới 1,3 tỷ USD, theo báo cáo SEA e-Conomy.

Grab lên sàn Mỹ thành công, các startup Việt Nam liệu có nóng mặt? - Ảnh 3.

Hoạt động đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2021. (Nguồn: e-Conomy SEA 2021, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Dữ liệu của Tech in Asia cho thấy hệ sinh thái startup Việt Nam bắt đầu có độ chín với số vốn kêu gọi được ở các vòng Series B trở lên tăng mạnh trong năm 2021.

Dù vậy, mới chỉ có Tiki mạnh mẽ tuyên bố kế hoạch niêm yết tại nước ngoài trước năm 2025. Kế hoạch của Tiki là có cơ sở khi định giá startup TMĐT đã đạt mốc 850 triệu USD sau vòng gọi vốn Series E gần đây. Trong khi đó, định giá của MoMo cũng có thể đã cán mốc 1 tỷ sau khi nhận được 175 triệu USD đầu tư từ Mizuho Bank.

Dù vậy, ngoài trừ Tiki, MoMo và các startup "kỳ lân" của Việt Nam (VNG, VNLife, Sky Mavis), Việt Nam hiện chưa có nhiều startup công nghệ định giá cao. Một báo cáo của Cento Ventures cho thấy chỉ có một vài công ty Việt Nam có định giá trên 100 triệu USD, bao gồm Topica, Batdongsan và Misa.

Grab lên sàn Mỹ thành công, các startup Việt Nam liệu có nóng mặt? - Ảnh 4.

Hoạt động đầu tư tại Việt Nam chia theo vòng đời startup. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Trong số các "ngôi sao" công nghệ Việt Nam, Sky Mavis, công ty đứng sau hiện tượng Axie Infinity, là một ngoại lệ. Startup mới hoạt động được 3 năm nay không được thành lập tại Việt Nam và hầu hết người dùng của nó cũng không ở Việt Nam.

Nhìn chung, "chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu trong chu kỳ công nghệ ở Việt Nam", ông Olivier Raussin, đối tác điều hành FEBE Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm, chia sẻ. "Các công ty ở Việt Nam vẫn nhận được vốn đầu tư tư nhân dồi dào nên chưa có nhu cầu cần IPO gấp", ông nói.

Joel Shen, đối tác công ty luật Wither, có cùng quan điểm. Ông cho rằng vẫn còn sớm để hy vọng các công ty Việt Nam thực hiện IPO. "Việt Nam đang chậm hơn so với xu hướng này. Đừng hiểu lầm tôi, thị trường này nóng bỏng. Việt Nam đang như Indonesia giai đoạn 2015 – 2016", ông nói.

Grab lên sàn Mỹ thành công, các startup Việt Nam liệu có nóng mặt? - Ảnh 5.

Công ty luật Freshfields cho rằng "việc IPO ở nước ngoài của một công ty Việt Nam với nhà sáng lập Việt Nam và "nguồn gốc" ở Việt Nam mang đến một chương mới thú vị đối với các doanh nghiệp Việt".

Freshfields nói các công ty Việt Nam niêm yết ở nước ngoài "thường có phần lớn cổ phần do nước ngoài nắm giữ trước khi niêm yết và/hoặc hoạt động ở các thị trường nước ngoài". Công ty này cho biết thêm "các pháp nhân niêm yết thường là các công ty cổ phần thành lập ở nước ngoài".

Một ví dụ gần đây là Society Pass, một công ty thành lập ở Mỹ nhưng công ty này khẳng định là công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết ở nước ngoài. Năm nay, Việt Nam có thêm một số công ty cũng công bố kế hoạch niêm yết ở nước ngoài như Vinfast hay The CrownX.

Grab lên sàn Mỹ thành công, các startup Việt Nam liệu có nóng mặt? - Ảnh 6.

Tiki và VNG đều đang có tham vọng niêm yết tại nước ngoài. (Ảnh: Tiki/VNG).

Trở lại thời điểm năm 2017, trả lời Bloomberg, Vietjet Air từng nói rằng công ty này muốn thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết ở nước ngoài. Điều này chưa được hiện thực hoá và với tình hình COVID-19, giấc mơ này có lẽ vẫn còn xa với hãng hàng không giá rẻ này.

Chính sách quản lý là một yếu tố quan trọng trong cuộc đua IPO, ngay cả với các tập đoàn lớn. Ví dụ, cổ đông nước ngoài không được sở hữu quá 50% cổ phần công ty trong nước trong một số lĩnh vực nhất định ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trường hợp niêm yết ở nước ngoài cũng cần phê duyệt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC).

Rào cản này có thể được vượt qua bằng cách thành lập một pháp nhân ở nước ngoài. Hồi tháng 5, Tiki thành lập Tiki Global, một pháp nhân ở Singapore, nắm giữ 90% hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Động thái thành lập công ty ở Singapore này giống cách làm của Grab. Dù vậy, nếu như Grab hoạt động ở cả Đông Nam Á, Tiki mới chỉ có hoạt động tại Việt Nam.

Ngay cả như vậy, toàn bộ quá trình này "vẫn cần rất nhiều công việc", ông Chris Milliken, một luật sư doanh nghiệp và M&A tại Freshfields, nói. "Nếu một công ty quyết định niêm yết một pháp nhân tại nước ngoài, cách nó đặt mô hình kinh doanh tại Việt Nam vào công ty đó cũng là một vấn đề".

Một trong những rắc rối là nhiều ngành kinh doanh tại Việt Nam giới hạn sở hữu nước ngoài. Trong khi đó, để niêm yết tại Việt Nam là rất khó với các công ty công nghệ Việt Nam vì quy định doanh nghiệp cần có lãi ít nhất 2 năm và không có lỗ luỹ kế ở thời điểm niêm yết. Đây là thách thức với hầu hết các công ty công nghệ tiêu dùng ngay cả trên thế giới.

Grab lên sàn Mỹ thành công, các startup Việt Nam liệu có nóng mặt? - Ảnh 7.

"Việt Nam mới chỉ đang giai đoạn đầu của bùng nổ", Vinnie Lauria, đối tác sáng lập tại Golden Gate Ventures, nói. "Đây là thị trường mà các nhà đầu tư không thể bỏ qua trong những năm tới", ông nhận định.

Dù vậy, những khó khăn mà Grab đang gặp phải có thể là một hồi chuông với những hy vọng IPO của startup khác. IPO không phải là điểm đến cuối cùng và cũng không phải một hành trình mà tất cả các công ty phải theo đuổi, chuyên gia ngành nói.

Dù vậy, Vinnie Lauria vẫn cho rằng dòng vốn đầu tư hiện tại chảy vào Việt Nam có thể đặt nền móng cho những đợt IPO tiềm năng tại Việt Nam.

Thế nhưng, các startup Việt có gì hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu? VNG, Tiki và MoMo hiện chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

"Tôi không cho rằng startup cần kinh doanh quốc tế để IPO nhưng bạn cần có câu chuyện", ông Joel Shen nói.

Dù vậy, ông Milliken của Freshfields cho rằng nếu muốn thúc đẩy IPO, các quy định về IPO ở Việt Nam nên được điều chỉnh. Bên cạnh đó, ông cho rằng các công ty công nghệ lớn nhất vẫn muốn niêm yết ở nước ngoài vì "đó là nơi có thị trường lớn nhất".

Nam Khánh