|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VNDirect sắp tăng vốn, vốn điều lệ dự kiến vượt 12.000 tỷ đồng

08:31 | 18/12/2021
Chia sẻ
CTCP Chứng khoán VNDirect lên kế hoạch triển khai chào bán 434,9 triệu cổ phiếu ra công chúng và phát hành 347,9 triệu cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn chủ sở hữu.

CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) vừa công bố nghị quyết về việc triển khai thực hiện việc chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn chủ sở hữu. 

Theo đó, VNDirect sẽ chào bán hơn 434,9 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 100% với giá chào bán 10.000 đồng/cp.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, nghĩa là cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu VND sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới phát hành. Cổ đông hiện hữu có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu của mình cho người khác trong thời gian quy định và chỉ được chuyển nhượng một lần.

Bên cạnh đó, VNDirect sẽ phát hành thêm hơn 347,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 80% (100 cổ phiếu được quyền nhận 80 cổ phiếu phát hành thêm). Nguồn vốn thực hiện đến từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty theo báo cáo tài chính riêng tại thời điểm 30/9, bao gồm 1.160 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 2.319 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trong nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 6/12, công ty cũng dự kiến phát hành thêm cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng chào bán bằng 2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Đây là lần đầu tiên VNDirect triển khai chương trình ESOP sau 15 năm hoạt động. 

Nếu hoàn tất cả 3 phương án tăng vốn trên, dự kiến vốn điều lệ của VNDirect sẽ vượt 12.200 tỷ đồng.

Về kế hoạch sử dụng vốn, VNDirect dự kiến sẽ chi khoảng 40% số tiền thu được để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ; 20% cho đầu tư vào các giấy tờ có giá; 20% cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và 20% bổ sung nguồn vốn cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm.

Bảo Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.