|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinaplast vướng nợ khó đòi, kinh doanh đi xuống

11:23 | 17/12/2019
Chia sẻ
Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với tình hình hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Ngoài việc còn tồn đọng hàng chục tỷ đồng nợ khó đòi và các khoản đầu tư có nguy cơ mất vốn, hoạt động kinh doanh trong 9 tháng năm 2019 của doanh nghiệp này cũng đang đi xuống.

Nguy cơ mất hơn 60 tỷ đồng nợ khó đòi

Tại thời điểm cuối quý III/2019, tổng nợ phải thu dài hạn và ngắn hạn của Vinaplast là 113 tỷ đồng. Trong đó, tổng số dư các khoản nợ xấu là 77,3 tỷ đồng, bằng hơn nửa vốn chủ sở hữu. Công ty dự tính chỉ có thể thu hồi được 7,8 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu này.

Một số khoản nợ xấu phải thu lớn của Vinaplast có thể kể đến là hơn 47 tỷ đồng của Công ty CP Nhựa Vân Đồn; gần 7,2 tỷ đồng của Công ty CP Nhựa Thăng Long… Vinaplast cho biết, Công ty đã có chủ trương thoái vốn tại Công ty CP Nhựa Vân Đồn sau nhiều lần đòi nợ bất thành. Tính đến ngày 30/9/2019, Vinaplast sở hữu gần 20,69% vốn điều lệ Nhựa Vân Ðồn, tương đương với 16,9 tỷ đồng vốn góp.

Trong bối cảnh tồn đọng nhiều khoản nợ khó đòi, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaplast từ năm 2017 đến nay liên tục âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 và 2018 lần lượt âm 18,7 tỷ đồng và 63,8 tỷ đồng. Tình trạng kinh doanh không tạo ra tiền vẫn tiếp diễn trong 9 tháng năm 2019 khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 13,7 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nhiều năm liên tục gây nên những nghi ngại về khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn/dài hạn đến hạn của Vinaplast. Bên canh đó, việc thiếu tiền sẽ khiến Công ty gặp khó khăn trong việc chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Lợi nhuận giảm mạnh

Tiền thân là Công ty Tạp phẩm được thành lập vào tháng 3/1976, Vinaplast hiện có vốn điều lệ (thời điểm 30/9/2019) là 194,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 65,85% thông qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm từ nhựa, phục vụ cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp…

Bên cạnh rủi ro về các khoản nợ xấu, hoạt động kinh doanh của Vinaplast trong 9 tháng năm 2019 cũng đi xuống rõ rệt. Theo đó, doanh thu của Công ty chỉ đạt 97,7 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2018. Giá vốn hàng bán cũng giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước, đạt 91,1 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp thu về đạt 6,5 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với 12,5 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng năm 2018.

Với kết quả trên, biên lợi nhuận gộp 9 tháng năm 2019 của Vinaplast chỉ đạt 6,74%, thấp hơn so với con số cùng kỳ năm ngoái là 7,67%.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và ghi nhận thêm lợi nhuận từ các hoạt động khác, Vinaplast đạt 8,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 1/9 so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến thời điểm cuối quý III/2019, tổng lỗ lũy kế của Công ty là 17,8 tỷ đồng.

Thế Anh