Vinamilk ước tính lợi nhuận nửa cuối 2023 sẽ tăng trưởng cao hơn doanh thu thuần nhờ hai động lực
Ghi nhận tại Hội thảo Ngày Doanh Nghiệp Việt Nam Goldman Sachs & SSI tổ chức, SSI Research cho biết các nhà đầu tư CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) chủ yếu lo ngại về tăng trưởng doanh thu trong nửa cuối năm 2023 do môi trường vĩ mô khó khăn gần đây và thị trường sữa cạnh tranh, cũng như tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) trong trung hạn.
Theo chia sẻ tại hội thảo, bao bì mới dành cho sữa tươi của Vinamilk bắt đầu ra mắt vào giữa tháng 8 trên các kênh thương mại hiện đại và sau đó là trên các kênh thương mại truyền thống vào tháng 9, nhờ công cụ chuyển đổi số trong khâu bán hàng mới được xây dựng nội bộ.
Với thay đổi trên, Vinamilk kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao hơn trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm. Theo kịch bản cơ sở, công ty ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình một chữ số so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng lợi nhuận ròng trong 6 tháng cuối năm 2023 dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu thuần nhờ xu hướng giảm của sữa bột nhập khẩu trong thời gian tới (giảm khoảng 30% so với cùng kỳ tính tại ngày 23/8). Hiện tại Vinamilk vẫn chưa ký hợp đồng mua sữa bột nguyên liệu cho năm 2024.
Trong trung hạn, Vinamilk đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu sữa trong nước ngang bằng với mức tăng trưởng GDP cả nước và tập trung vào các danh mục khác có triển vọng ấn tượng hơn như sữa có nguồn gốc thực vật để hỗ trợ tăng trưởng cao hơn.
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư chiều 31/8, ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Vinamilk chia sẻ công ty kỳ vọng việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sẽ có tác động tích cực vào kết quả kinh doanh của công ty trong nửa cuối năm nay và biên lợi nhuận 6 tháng cuối năm có thể cao hơn cùng kỳ nhờ diễn biến thuận lợi của giá nguyên vật liệu.
"Nửa cuối năm nay nếu tình hình vĩ mô tốt lên cộng hưởng với yếu tố giá đầu vào giảm sẽ là cơ hội tốt cho Vinamilk. Năm 2022 có thể nói là đáy lợi nhuận của công ty và giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua", Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Vinamilk nhận định.
Giải thích về việc chưa chốt giá sữa bột nguyên liệu cho năm 2024, ông Trung nhận định với việc Trung Quốc liên tục tăng đàn bò thì xu hướng giá sữa bột có thể tiếp tục giảm thời gian tới. Việc đánh giá giá sữa nguyên liệu có thể điều chỉnh sâu hơn, Vinamilk sẽ không quá vội vàng chốt giá và chời đợi thời điểm tốt để bắt đáy, đại diện công ty thông tin.
Vinamilk đang duy trì chính sách hàng tồn kho là 3 tháng, để đảm bảo cho dù có bất kỳ tình huống nào xảy ra thì doanh nghiệp vẫn có đủ nguyên liệu phục vụ người tiêu dùng.
Chính sách chốt giá cho nhiều loại nguyên vật liệu cũng có sự khác nhau. Trong nước, Vinamilk sẽ chốt được thời gian lâu hơn do doanh nghiệp có hệ thống trang trại và các hợp đồng mua độc quyền với các nông hộ. Chính sách chốt giá nguyên vật liệu ở nước ngoài của Vinamilk sẽ linh động hơn. Nếu giá có xu hướng tăng, công ty có thể chốt với thời gian dài hơn và ngược lại.
Hiện, Vinamilk đang tự chủ được về nguồn sữa tươi trong nước. Trong tương lai, khi trang trại tại Lào đi vào hoạt động và có kế hoạch tăng đàn tại đây thì tỷ lệ tự chủ sữa tươi có thể tiếp tục tăng cao. Khi tự chủ chốt hơn sẽ giúp Vinamilk tăng biên lợi nhuận và duy trì ổn định hơn khi giảm được những tác động từ thị trường thế giới và trong nước.
Còn trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM đã được mua ròng nhiều nhất VN-Index trong khoảng 20 phiên gần nhất. Riêng nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trong 3 tháng liên tiếp với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Chốt phiên 6/9, cổ phiếu VNM tạm dừng ở 80.000 đồng/cp, là vùng giao dịch cao nhất của cổ phiếu này trong vòng 9 tháng trở lại đây.