|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinamilk khởi động chiến dịch tái cấu trúc Sữa Mộc Châu

07:59 | 13/12/2019
Chia sẻ
Ngày 16/12 tới đây, CTCP GTNfoods (Mã: GTN) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2019 để thông qua các nội dung liên quan đến hoạt động tái cơ cấu công ty.
Vinamilk VNM self (3)

Một cửa hàng của Vinamilk tại Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Theo đề nghị của cổ đông lớn là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), GTNfoods trình cổ đông cho phép Vinamilk nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông của GTNfoods để có thể đạt tỉ lệ sở hữu 75% mà không cần làm thủ tục chào mua công khai theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đề xuất của Vinamilk thể hiện mong muốn nhanh chóng kiểm soát quyền điều hành GTNfoods để thực hiện các bước tái cấu trúc công ty tiếp theo. Hiện Vinamilk hiện sở hữu 43,17% vốn cổ phần của GTNfoods và đã thông qua việc mua thêm cổ phiếu GTN để nâng tỉ lệ sở hữu lên 75% tại công ty sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu.

Tại cuộc họp này, GTNfoods cũng dự kiến trình cổ đông xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty.  

Cụ thể, GTNfoods sẽ bổ sung thêm các ngành nghề kinh doanh sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng với các sản phẩm nước giải khát và sữa đậu nành. Đồng thời, công ty cũng sẽ kinh doanh các loại chè, hàng công nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Bên cạnh đó, GTNfoods cũng đề xuất cổ đông thông qua phương án thoái vốn tại ba công ty con để phục vụ cho việc tái cấu trúc, bao gồm CTCP Nông nghiệp GTN (GTNFarm), CTCP Đầu tư và Khai thác Khoáng sản GTNfoods và Công ty TNHH Hàng tiêu dùng GTNfoods với mức giá chuyển nhượng lần lượt 490,5 tỉ đồng, 235,5 tỉ đồng và 8 tỉ đồng.

Báo cáo phân tích gần nhất của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) về Vinamilk cho biết, với thị phần chiếm quá nửa thị trường, trong bối cảnh ngành sữa chỉ tăng trưởng một con số, yêu cầu tăng trưởng cao với doanh nghiệp lớn như Vinamilk là điều không dễ và cũng được ban lãnh đạo công ty này dự báo từ đầu năm.

Trong khi Vinamilk chững lại, các doanh nghiệp nhỏ hơn lại đang tăng tốc, qua đó sức ép lên thị phần ngày càng rõ rệt. Trong quý III, Mộc Châu và Vinasoy tăng doanh thu lần lượt 9,7% và 17,2%.

Theo đó, giới phân tích cho rằng việc mua lại thành công Sữa Mộc Châu thông qua việc sở hữu quyền kiểm soát GTNfoods là một trong tiền đề quan trọng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của Vinamillk.

Những năm gần đây, với xu hướng ưa chuộng những sản phẩm tốt cho sức khoẻ,  sản phẩm sữa organic của Vinamilk đến nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa kể một số nhà nhập khẩu nước ngoài đang đề nghị được bao tiêu sữa organic của công ty.

Nói đến sữa Mộc Châu, đơn vị này có rất nhiều điểm mạnh về khí hậu, về vùng nguyên liệu có thể phát triển mạnh các dòng sản phẩm Organic nhưng lại yếu kém về phân phối, tiếp thị và cả năng lực tài chính nên chưa thể đưa Mộc Châu đi xa hơn. 

Sữa Mộc Châu hiện đang chiếm khoảng 9% thị phần. Bằng con đường M&A, Vinamilk có thể nhanh chóng mở rộng thị phần, đi tắt đón đầu trong củng cố vị trí dẫn đầu ngành. Tái cấu trúc GTNfoods hoàn toàn trong tầm tay của Vinamilk với nguồn lực hiện có.

Sơn Tùng