|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

VinaCapital thoái vốn khỏi nhiều dự án bất động sản

15:29 | 16/10/2016
Chia sẻ
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư vào dự án mới, các quỹ đầu tư ngoại cũng đang tiến hành thoái vốn khỏi các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản để hiện thực hóa lợi nhuận cho cổ đông.

Xét về đầu tư của các quỹ ngoại vào bất động sản (BĐS), kể cả đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp), có thể nói VinaCapital là công ty quản lý có các quỹ sở hữu nhiều dự án và cổ phiếu của doanh nghiệp BĐS thuộc hàng dẫn đầu trên thị trường.

Năm 2012, sau 6 - 7 năm hoạt động, các quỹ này bắt đầu chiến lược thoái vốn để hiện thực hóa lợi nhuận cho cổ đông của quỹ. Theo đó, kề từ năm 2012 đến nay, quỹ BĐS VinaLand Ltd (VNL, hoạt động từ năm 2006), thuộc VinaCapital đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi 17 dự án.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, báo cáo quý II của VNL cho thấy, quỹ đã thoái 4/6 dự án theo như kế hoạch. Điển hình, trong tháng 5, VNL đã hoàn tất việc thoái vốn tại dự án khu căn hộ dịch vụ HBT Court, dự án Thế kỷ 21 và thu về lần lượt 0.53 triệu USD, 75,4 triệu USD (cao hơn mức 3,2 triệu USD của giá trị sổ sách).

Thêm nữa, trong tháng 6/2016, hai thương vụ thoái vốn khác diễn ra ở dự án Danang Golf (thu về 37,4 triệu USD) và Phạm Hùng - Hà Nội (thu về 16,2 triệu USD). Các dự án này, VNL đều mua lại ở thời điểm 2006 - 2007, khi thị trường BĐS Việt Nam sôi động. Hiện, trong danh mục đầu tư của VNL còn có 9 dự án trọng điểm, bao gồm các dự án khu phức hợp, căn hộ và khu đô thị…

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, VNL cũng đã phát triển và bán sản phẩm thuộc nhiều dự án. Báo cáo tháng 8 vừa rồi của quỹ cho thấy, cả hai dự án Azura (Đà Nẵng) và Đại Phước Lotus (Đồng Nai) đều thành công về mặt bán hàng. Cụ thể, 100% sản phẩm căn hộ Azura (225 căn) đều đã được thị trường tiêu thụ; trong khi hơn 80% sản phẩm thuộc Đại Phước Lotus đã có chủ.

Không chỉ VinaCapital, một số quỹ có thâm niên ở thị trường Việt Nam như Saigon Asset Management (SAM), Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL, thuộc Dragon Capital), DWSVF-DWS Vietnam Fund (thuộc Deutsche Asset Management/Deutse Bank Group, Đức) hay Vietnam Azalea Fund (thuộc Mekong Capital)… đều có những khoản đầu tư nhất định vào các công ty trong lĩnh vực BĐS, chủ yếu là cổ phiếu niêm yết.

Mới đây, liên tiếp trong tháng 6 và 7, quỹ Vietnam Azalea Fund đã hoàn tất việc bán toàn bộ gần 2,39 triệu cổ phiếu mà quỹ đang nắm giữ tại Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG), chiếm 1,69% vốn điều lệ.

Được biết, Vietnam Azalea Fund đã đầu tư vào Nam Long từ năm 2010, từ đó đến nay, công ty này vẫn dẫn đầu trong phân khúc nhà ở vừa túi tiền, chiếm gần 20% thị phần.

Ngoài ra, ban lãnh đạo của công ty cũng đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục nới room cho nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, vào tháng 7/2016, Vietnam Azalea Fund đã hoàn tất việc bán 100% khoản đầu tư vào Intresco, công ty chuyên hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, phát triển, kinh doanh và cho thuê căn hộ và các dự án BĐS thương mại (Vietnam Azalea Fund đầu tư vào đây năm 2008).

Theo Duy Khánh