VinaCapital: Rủi ro lớn nhất là viễn cảnh kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng
Trong báo cáo mới phát hành, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital nêu nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ cao hơn
Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay được dự sẽ cao hơn mức 5,05% hồi năm ngoái, lên mức 6 - 6,5% nhờ ba yếu tố.
Thứ nhất, hoạt động xuất khẩu sẽ tăng trưởng cao hơn từ mức dưới 4% năm 2023 lên mức 8-9% năm 2024, do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm “Made in Vietnam” – đặc biệt là hàng điện tử tiêu dùng - ở các thị trường Mỹ/Âu dần phục hồi và có thể tăng trong năm 2024.
Mức tăng trưởng được dự báo này vẫn thấp hơn mức tăng trước COVID do nền kinh tế Mỹ và toàn cầu suy yếu (hầu hết sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đều dành cho xuất khẩu – đặc biệt là đến thị trường Mỹ).
Yếu tố thứ hai hỗ trợ tăng trưởng là mặt bằng lãi suất tại Việt Nam sẽ thấp hơn và ít biến động hơn giai đoạn hai năm vừa qua, sẽ hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo nhiều cách – bao gồm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam sẽ phục hồi. Trong năm qua, nhu cầu tiêu dùng của người Việt (không bao gồm khách du lịch) gần như không tăng trưởng, một phần bởi tác động từ làn sóng cắt giảm nhân sự ở ngành công nghiệp sản xuất và sự đình trệ của thị trường bất động sản.
VinaCapital dự báo nhu cầu tiêu dùng đã bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2023 khi nhiều nhà máy bắt đầu tuyển dụng trở lại, và Chính phủ có các động thái hỗ trợ cho thị trường bất động sản.
Liên quan đến vấn đề nhu cầu tiêu dùng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã giảm từ mức 8% ở giai đoạn bùng nổ sau COVID năm 2022 xuống còn 5,1% năm 2023, và mức giảm này gần như tương ứng với sự suy giảm của ngành sản xuất/chế tạo công nghiệp và ngành dịch vụ/tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, VinaCapital kỳ vọng hoạt động sản xuất sẽ phục hồi tốt trong năm nay. Nhu cầu tiêu dùng sẽ không tăng mạnh trong năm 2024, bởi vì làn sóng du khách nước ngoài đến Việt Nam đã thúc đẩy tiêu dùng trong năm ngoái, và sẽ khó lặp lại trong năm nay.
Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam không bao gồm khách Trung Quốc (vốn chiếm 1/3 tổng lượng khách đến Việt Nam) đã trở lại mức trước COVID. Có khả năng khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong năm 2024 (đã đạt mức 30% giai đoạn trước COVID vào năm ngoái), nhưng nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc đang thấp giống như giai đoạn cách ly xã hội thời COVID, do nước này đang phải xử lý nhiều vấn đề mang tính hệ thống.
Viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng là rủi ro lớn nhất
Rủi ro lớn nhất trong dự báo khá tích cực của VinaCapital là viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng. Điều này sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm “Made in Vietnam” suy giảm. Giá trị của USD sẽ tăng trong tình huống này (như mọi khi) do xu hướng nắm giữ USD, và điều này sẽ hạn chế khả năng Việt Nam cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, quỹ này cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó với tình huống nêu trên bằng các giải pháp kích thích tài khóa - bao gồm gia tăng đầu tư công.
Đầu năm 2023, Chính phủ đã đưa ra định hướng gia tăng đầu tư công 50% lên mức 30 tỷ USD – 7% GDP năm 2023 (từ mức 4% GDP năm 2022). Nhiều khả năng đây là bước đi để hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ sản phẩm “Made in Vietnam” đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng suy giảm trên toàn cầu.
Một số chỉ báo sớm cho thấy mức chi cho đầu tư công đã tăng lên khoảng 25 tỷ USD (hoặc 6% GDP năm 2023) trong năm qua, và Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện mức tương tự (25 tỷ USD) trong năm nay. Quan trọng hơn, sự thận trọng của Chính phủ trong quá khứ cho phép Việt Nam tăng mạnh đầu tư công nếu cần thiết.
Kho bạc Nhà nước Việt Nam có hơn 30 tỷ USD vốn chưa giải ngân được giữ trong các ngân hàng trong nước (bao gồm các khoản gửi tại các ngân hàng thương mại và NHNN)– hầu hết dành cho các dự án cơ sở hạ tầng trong những năm qua nhưng chưa được giải ngân. Tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam cũng là dưới 40%, rất thấp nếu so với phần lớn các quốc gia đang phát triển và đã phát triển trên thế giới.
Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp nhỏ để kích thích kinh tế năm ngoái, bao gồm việc cắt giảm thuế VAT từ 10% còn 8% và cắt giảm thuế môi trường trên sản phẩm xăng dầu – hai biện pháp có giá trị tương đương 0,5% GDP. Kế hoạch tăng lương tối thiểu cho công chức, viên chức nhà nước năm nay sẽ có giá trị khoảng 1% GDP để kích cầu kinh tế.
"Tất nhiên, chúng tôi tin rằng Chính phủ có thể thực hiện nhiều biện pháp khác để hỗ trợ kinh tế nếu cần thiết", đại diện VinaCapital cho hay.