|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VinaCapital bán dự án Đại Phước Lotus cho một công ty Trung Quốc

17:00 | 12/04/2017
Chia sẻ
Hai quỹ đầu tư của VinaCapital là VOF và VNL đã thoái toàn bộ cổ phần tại dự án Đại Phước Lotus cho Tập đoàn China Fortune Land Development, thu về hơn 65 triệu USD, tương đương khoảng 1.480 tỷ đồng.
 
vinacapital ban du an dai phuoc lotus cho mot cong ty trung quoc
Phối cảnh dự án Đại Phước Lotus. (Nguồn: VNL).

Mới đây hai quỹ đầu tư của Tập đoàn VinaCapital là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) cùng VinaLand Limited (VNL) đã bán toàn bộ cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus cho một công ty thuộc Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) của Trung Quốc.

Được biết tính đến 31/12/2016, VOF và VNL nắm sở hữu lần lượt 18% và 54% vốn Công ty thực hiện dự án - Công ty Cổ phần Vina Đại Phước.

Theo tin từ Londonstockexchange, tổng giá trị giao dịch chiếm 20.4% giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF chưa được kiểm toán trước ngày 31/3/2017. Thương vụ này mang về cho VOF khoản doanh thu thuần 16,5 triệu USD (374 tỷ đồng), số tiền đã được nhận đầy đủ vào ngày 10/4 vừa qua.

Sau thương vụ chuyển nhượng trên, các dự án bất động sản VOF nắm giữ trực tiếp trong danh mục đầu tư giảm xuống còn 5,2% tổng giá trị NAV tại ngày 31/3/2017.

Trong khi đó, với tỷ lệ sở hữu cao hơn, phía VNL thu về 48,8 triệu USD (1.105 tỷ đồng), trang Morningstar của Anh cho hay. VNL đánh giá số tiền thu về cao hơn 11% giá trị đầu tư vào cuối năm 2016, tuy nhiên tỷ suất sinh lời nội bộ chỉ đạt 0,3%.

Ông David Blackhall - Giám đốc điều hành của VNL đánh giá việc bán Đại Phước Lotus là phù hợp với chính sách hiện hành nhằm loại bỏ các dự án một cách có kiểm soát và trật tự. Số tiền thu được này kết hợp với số tiền thu từ các khoản thanh lý trong quá khứ và tương lai sẽ được sử dụng cho các cam kết của VNL, bao gồm chi phí hoạt động và phân phối lợi nhuận cho cổ đông.

Giám đốc điều hành VOF - ông Andy Ho chia sẻ về việc thoái vốn dự án Đại Phước Lotus, VOF phải chịu mức giá thấp hơn khoảng 5% tổng NAV. Tuy nhiên, đây được xem là cột mốc quan trọng trong chiến lược hiện tại của Công ty nhằm giảm thiểu các khoản đầu tư bất động sản trực tiếp và cho phép VOF duy trì cơ hội trong các lĩnh vực của thị trường, nơi Công ty thấy nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là các giao dịch thương mại tư nhân và đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết (OTC).

Khu đô thị sinh thái Đại Phước Lotus nằm trên đảo Đại Phước - được VNL mệnh danh là “Hòn ngọc phía Đông Sài Gòn”, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai có diện tích 198,5 ha và được mua lại bởi VNL vào năm 2007. Đến nay, ngoài 332 căn biệt thực đơn lập và song lập nằm trên diện tích 22,4 ha đã hoàn thành và mở bán thì phần lớn dự án hiện vẫn trong giai đoạn đầu tư xây dựng và kinh doanh.

vinacapital ban du an dai phuoc lotus cho mot cong ty trung quoc
Khu biệt thự đã hoàn thành của dự án Đại Phước Lotus. (Nguồn: VNL).

Liên quan đến China Fortune Land Development, đây là một trong những doanh nghiệp khai thác bất động sản khu công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc được thành lập năm 1998. Tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, CFLD phát triển quy hoạch ở 3 thành phố trọng yếu là Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, vành đai một chiều dọc sông Dương Tử và đồng bằng Châu Giang. Đến nay, CFLD có mặt ở hơn 50 khu vực trên thế giới như Ai Cập, Mỹ, Indoneisa, Việt Nam…

Tính đến tháng 6/2016, CFLD có hơn 1.100 đối tác chiến lược trong các thành phố công nghiệp mới của mình, cùng một khoản đầu tư dự kiến ​​4,1 tỷ USD. Nửa đầu năm 2016, CFLD đạt doanh thu trên 58,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 191,8 nghìn tỷ đồng), lợi nhuận gần 4 tỷ nhân dân tệ (gần 13 nghìn tỷ đồng).

Vào ngày 19/9/2016, CFLD đã ký biên bản ghi nhớ Tổng Công ty Tín Nghĩa hợp tác xây dựng Khu Công nghiệp mới Đông Sài Gòn và Khu Công nghiệp Ông Kèo, quy mô từ tỉnh Đồng Nai đến phía Đông TP HCM.

vinacapital ban du an dai phuoc lotus cho mot cong ty trung quoc
CFLD ký biên bản ghi nhớ Tổng Công ty Tín Nghĩa. (Nguồn: CFLD).

Trước đó, một công ty con của CFLD cũng đã ký biên bản ghi nhớ với chính phủ Ấn Độ và công ty con của Tập đoàn Công nghiệp và Phát triển Công nghiệp Maharashtra Ltd. (CIDCO) để xây dựng một khu công nghiệp mới trong khu vực chịu sự bức xạ của Sân bay Quốc tế Navi Mumbai ở Maharashtra.

Tiến Vũ