Việt Nam sẽ nhập khẩu 3 tỉ USD nông sản của Mỹ
Thúc đẩy việc mua nông sản từ Mỹ
“Chúng tôi nhận thấy việc nhập khẩu nông sản từ Mỹ còn nhiều dư địa, đồng thời điều này còn giúp thu hẹp khoảng cách cán cân thương mại với Mỹ. Nhu cầu nông sản Mỹ ở thị trường Việt Nam rất lớn”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây cho biết.
Các công ty của Việt Nam đã kí kết 18 biên bản thỏa thuận với các nhà sản xuất Mỹ về việc nhập khẩu khoảng 3 tỉ USD hàng nông sản trong vòng 2 - 3 năm tới, ông Tuấn cho biết.
Thỏa thận này bao gồm nhập khẩu 100.000 con bò; 3 triệu tấn lúa mì và lúa mạch với trị giá tới 800 triệu USD; thức ăn chăn nuôi, trái cây, ngô và đậu nành.
“Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp thường kì với các công ty Việt Nam nhằm hỗ trợ họ trong việc thực hiện kí kết các biên bản ghi nhớ. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn nhập khẩu những thiết bị công nghệ cao từ Mỹ nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam trong tương lai”, ông Tuấn nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại buổi làm việc hôm 24/2 với Mỹ, Bộ đã rà soát và đưa 3 chất mà Mỹ quan tâm (Ractopamin, Trenbolone Acetate, Zeranol) ra khỏi danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi của Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT ban hành ngày 28/11/2019.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT tiếp tục cấp giấy xác nhận thực vật chuyển đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cho 8 sự kiện.
Tính tới thời điểm 24/2 Bộ đã cấp giấy xác nhận cho 39/48 hồ sơ đăng kí của doanh nghiệp Mỹ. Số còn lại đang tiếp tục được Hội đồng an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi biến đổi gen tiếp tục đánh giá.
Đối với sản phẩm thịt và thủy sản, Việt Nam đã cấp phép cho 460 doanh nghiệp sản xuất thịt và 210 doanh nghiệp đăng kí xuất khẩu thủy sản, không còn hồ sơ tồn đọng của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, chỉ còn 3 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt chưa được cấp phép. Nguyên nhân là do sử dụng động vật có xuất xứ từ nước thứ ba.
Phía Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ cần bổ sung hồ sơ theo quy định về kiểm soát an toàn dịch bệnh của Việt Nam.
Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại
Việt Nam đang nỗ lực hết sức nhằm tránh bị Mỹ áp thuế giống như Trung Quốc đã từng phải hứng chịu. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 61,3 tỉ USD, nới rộng thặng dư thương mại từ mức 34,8 tỉ USD năm 2018 lên 47 tỉ USD, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan.
Trong khi đó, số liệu từ Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nước này với Việt Nam năm 2018 và 2019 lần lượt là 39,5 tỉ USD là 55,8 tỉ USD.
Trong một buổi phỏng vấn với tờ Bloomberg vào năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú cho biết Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ như máy bay Boeing. Trong tháng 8/2019, Tập đoàn Than Công nghiệp - Khoáng sản Việt Nam cho biết tập đoàn đang đàm phán mua lô hàng than đầu tiên từ công ty Xcoal Energy & Resources LLC. (Mỹ).
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã mạnh tay ngăn chặn hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành cũng đã cam kết giải quyết những quan ngại của Mỹ về chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng như vấn đề thặng dư thương mại với Mỹ.
Đại diện Bộ Thương mại Mỹ ông Robert Lighthizer năm ngoái cho biết “Việt Nam cần giải quyết các rào cản liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, nông sản và sở hữu trí tuệ”.
Ông Tuấn cho biết Việt Nam cũng đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này.
“Chúng tôi sẽ rà soát và điều chỉnh một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng tạo cơ hội cho doanh nghiệp của cả hai bên nhằm thúc đẩy thương mại trên tinh thần bình đẳng, công bằng. Điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ cho quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam”, ông Tuấn nói.