Việt Nam ở đâu trong chuỗi cung ứng linh kiện ô tô toàn cầu?
Gia công là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam
"Muốn công nghiệp ô tô phát triển, giá xe rẻ đi thì công nghiệp phụ trợ trong nước phải phát triển. Chúng ta có những lợi thế ở ngành công nghiệp phụ trợ như nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí thấp, giảm chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất tới nhà máy so với linh kiện nhập khẩu. Để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ hơn nữa, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để giảm giá thành linh kiện sản xuất trong nước".
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)
Dữ liệu từ Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, trong số 5,645 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng linh kiện phụ tùng ô tô, mặt hàng dây điện đạt 2,753 tỷ USD, bộ linh kiện xe có động cơ đạt 1,33 tỷ USD, lốp xe đạt 978 triệu USD, ghế ngồi đạt 175 triệu USD…
Kim ngạch xuất khẩu giúp nhóm mặt hàng phụ tùng ô tô của Việt Nam đứng vị trí thứ 8 trong nhóm 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay. Các thị trường lớn nhất nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô từ Việt Nam đều là các quốc gia có nền công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới như: Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Cụ thể, thị trường Nhật luôn đứng đầu về nhập khẩu phụ tùng ô tô từ Việt Nam như: Dây điện ô tô (1,77 tỷ USD), linh kiện thân xe (404 triệu USD), ghế ngồi (109 triệu USD). Đứng thứ hai là Mỹ, nhập từ Việt Nam các bộ phụ tùng như: Lốp xe (555 triệu USD), dây điện (512 triệu USD), linh kiện thân xe (248 triệu USD)…
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương), phụ tùng linh kiện ô tô của Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao hơn nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.
Trong đó nhóm sản phẩm như: Dây điện, lốp xe, chi tiết nhựa có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng qua từng năm.
Bà Thúy phân tích thêm, phần gia công sản phẩm tại Việt Nam thường là công đoạn phải làm bằng tay (manual) như: Uốn, bó, kẹp hoặc đánh bóng, cạo gờ ba-via của sản phẩm đúc từ nhựa.
Tuy nhiên không thể phủ nhận là người Việt Nam rất khéo tay, DN Việt cũng sáng tạo trong quản lý sản xuất, trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Ông Huỳnh Tấn Quyền, Phó Tổng giám đốc Công ty Dây cáp điện Cadi-Sun chia sẻ: “Theo tôi biết thì phần lớn dây cáp điện ô tô xuất khẩu từ Việt Nam đều do các doanh nghiệp FDI thực hiện, tuy nhiên cũng có một phần sản phẩm, hoặc công đoạn để tạo ra sản phẩm được các doanh nghiệp FDI thuê lại các đơn vị trong nước và các công ty này được hưởng một phần giá trị OEM (giá trị của nhà sản xuất thiết bị gốc).
Dây điện dẫn đầu nhóm hàng linh kiện ô tô xuất khẩu
Với 2,753 tỷ USD giá trị xuất khẩu của năm 2019, dây điện ô tô trở thành mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu trong nhóm linh kiện phụ tùng ô tô. Các quốc gia nhập khẩu mặt hàng này nhiều nhất lần lượt là: Nhật Bản (1,77 tỷ USD), Mỹ (512 triệu USD), Canada (201 triệu USD).
Điều ngạc nhiên là các thị trường được cho là cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về linh kiện dây điện ô tô, cũng nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam như: Thái Lan (43 triệu USD), Trung Quốc (26 triệu USD), Hàn Quốc (79 triệu USD)…, chứng tỏ dây điện từ Việt Nam đang là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Công ty TNHH Dây và Cáp điện Ngọc Khánh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cho biết, toàn bộ các DN sản xuất dây điện dùng trong ô tô hiện đang sử dụng khoảng 25.000 công nhân. Tỷ lệ xuất khẩu của các DN này ra nước ngoài lên đến 90%.
Dây điện trong ô tô như Công ty Ngọc Khánh đang sản xuất là mắt xích đầu tiên trong bộ dây diện dùng trong ô tô (wire harness), chiếm 70% giá trị của một bộ dây điện ô tô hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, sản phẩm của những đơn vị nội địa 100% như Công ty Ngọc Khánh làm ra được xuất khẩu tại chỗ, tức là bán vào các khu chế xuất tại Việt Nam, cũng thực hiện các thủ tục mở tờ khai hải quan như hàng xuất khẩu thông thường.
“Hiện tại sản phẩm đang được cung cấp ổn định cho các nhà máy lắp ráp bộ dây harness của Tập đoàn Yazaki và sản phẩm cuối cùng được xuất tới các nhà máy lắp ráp ô tô của các hãng như: Toyota, Mazda, Honda, Subaru, Suzuki.
Trong năm 2019, sản lượng xuất khẩu của công ty là 900 triệu mét dây điện ô tô các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt 65 triệu USD”, lãnh đạo Công ty Ngọc Khánh cho hay.
Trong các khu chế xuất như Nomura ở Hải Phòng, sự hiện diện của những công ty FDI tầm cỡ thế giới như Tập đoàn Yazaki (nhà sản xuất bộ dây điện ô tô lớn nhất thế giới của Nhật Bản) đóng vai trò hoàn thiện nốt công đoạn cuối để tạo ra bộ sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó mới xuất đi nước ngoài.
Tại Việt Nam, Yazaki có 1 nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô trong Khu chế xuất Nomura ở Hải Phòng và 2 nhà máy ở tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai.
Ngoài Yazaki, còn 2 đơn vị xuất khẩu bộ dây điện ô tô lớn tại Việt Nam là Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi-Hanel (KCN Sài Đồng B, Hà Nội) và Công ty SumiDenso (KCN Đại An, Hải Dương) đều có vốn đầu tư từ Sumitomo Wiring Systems - tập đoàn sản xuất dây cáp điện hàng đầu Nhật Bản, có nhà máy ở 27 quốc gia trên thế giới.
Năm 2019 vừa qua, chỉ 3 DN này đã đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dây điện ô tô xấp xỉ 2,1 tỷ USD. Bởi vậy, theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), lĩnh vực xuất khẩu dây điện ô tô có 2 cái tên là Sumi-Hanel và Yazaki nằm trong số 68 DN được ưu tiên trong lĩnh vực hải quan trên cả nước.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, về cơ bản phần giá trị gia tăng của Việt Nam trong sản phẩm như dây điện ô tô chính là lao động, tuy nhiên việc nỗ lực duy trì xuất khẩu liên tục, giữ được thị trường sẽ ngày càng định vị chắc chắn vị thế của ngành công nghiệp phụ trợ lắp ráp ô tô của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.