Việt Nam đã thu hút được gần 11,6 tỷ USD vốn FDI trong lĩnh vực bán dẫn
Sáng 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm đang là những mục tiêu và định hướng của thế giới. Việt Nam muốn kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại thì phải đi đúng hướng của thời đại, đánh giá chính xác tình hình và phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, với tinh thần "theo kịp, tiến cùng và vượt lên".
“Muốn thúc đẩy tăng trưởng thì cùng với làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó chuyển đổi số là động lực lớn mà các nước đang tập trung, dịch chuyển, coi đây là một cuộc cách mạng xác lập tiến trình lịch sử và trật tự thế giới mới”, Thủ tướng nêu rõ.
Gợi mở một số định hướng lớn, Thủ tướng cho rằng, phải nâng cao nhận thức, tư duy đột phá về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các động lực tăng trưởng mới, nhất là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây; hoàn thiện thể chế, ưu tiên cho các ngành lựa chọn; phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng điện; đào tạo nhân lực.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai "Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" và "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030".
Thủ tướng nhấn mạnh, sau khi ban hành kết luận phiên họp thì các bộ, ngành cần khẩn trương vào cuộc, tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, biến thành hành động cụ thể, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó để xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam hiện có 174 dự án có vốn FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã ký kế thỏa thuận nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Đây là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới.
Một số địa phương như TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
"Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện cam kết, khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam, thông báo về tình hình hoạt động và kế hoạch mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới", Bộ trưởng nêu rõ.
Về thúc đẩy hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp với Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Đồng thời, Việt Nam khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ với các đối tác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Điển hình như hoạt động triển khai các chương trình của Quỹ Đổi mới sáng tạo và an ninh công nghệ (ITSI) thuộc Đạo luật Chip của Mỹ đã và đang hỗ trợ Việt Nam đào tạo 120 giảng viên, 4.000 sinh viên và chuyển giao chương trình đào tạo về đóng gói, kiểm thử chip cho 20 cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
Nắm bắt được cơ hội 'hiếm có'
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cho rằng còn có nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đạt được những thành tựu lớn hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Cụ thể, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế trong việc thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực bán dẫn, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trước đã có kế hoạch vào Việt Nam nhưng mới chỉ dừng ở mức khảo sát, thăm dò và cần chờ các ưu đãi cụ thể. Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ đầu tư cần thời gian để ban hành và đi vào thực tiễn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đều rất quan tâm đến khả năng đáp ứng đủ và ổn định hạ tầng điện, nước, hệ thống xử lý nước thải…Một số tập đoàn lớn như Samsung, Intel đề nghị được cung cấp ổn định năng lượng tái tạo, bền vững với mức giá ưu đãi.
"Tuy nhiên, hệ thống điện, đặc biệt là điện sạch của Việt Nam vẫn còn hạn chế và dễ xảy ra rủi ro trong quá trình vận hành của nhà máy”, Bộ trưởng nêu rõ.
Cùng với đó, các đối tác lớn, tiến độ triển khai một số nội dung hợp tác với Mỹ còn chưa đáp ứng yêu cầu, các chương trình hợp tác chủ yếu tập trung vào công đoạn đóng gói, kiểm thử, hợp tác trong công đoạn thượng nguồn còn hạn chế.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thúc đẩy, thu hút các dự án của nước ngoài trong lĩnh vực này như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, đặc biệt là 2 dự án của Samsung và phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký kết với Tập đoàn NVIDIA.
"Bộ Tài chính bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư phát triển khác ngay trong năm 2025, dự kiến 10.000 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư để triển khai nhiệm vụ", Bộ trưởng đề xuất.
Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội “hiếm có” này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, do đó cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước.
"Việt Nam cũng không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, mà hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia và doanh nghiệp hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ.
Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trọng tâm của châu Á và thế giới trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và có thể về một cường quốc về AI trong tương lai", Bộ trưởng khẳng định.