|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,3 tỷ USD điều năm 2017

16:20 | 26/10/2017
Chia sẻ
Bộ Công Thương nhận định, mục tiêu xuất khẩu 3,3 tỷ USD trong năm 2017 nhiều khả năng sẽ hoàn thành nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới ngày càng tăng, đặc biệt thị hiếu tiêu dùng của người dân tại các nước phát triển ngày càng ưa chuộng hạt điều.
viet nam co the hoan thanh muc tieu xuat khau 33 ty usd dieu nam 2017
Ảnh minh họa.

Ngành điều toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng cầu vượt cung. Mặc dù nguồn cung điều thô tăng 3,5%/năm, nhưng vẫn không thể đáp ứng tốc độ tăng 6%/ năm về nhu cầu.

Nguồn cung hạt điều tăng chậm do mất mùa, hạn hán và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn cung trong vài năm gần đây khiến giá điều thô toàn cầu tăng cao, kéo giá điều thành phẩm tăng theo. Giá hạt điều ở mức cao khiến người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm thay thế.

Triển vọng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong thời gian tới

Ngành sản xuất điều Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, với kim ngạch xuất khẩu điều nhân đứng số 1 thế giới, chế biến đứng thứ 2, và là quốc gia có năng suất và sản lượng lớn thứ 3 thế giới.

Dự báo trong thời gian tới, ngành điều Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển và trở thành trung tâm của ngành điều thế giới. Với việc sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao (có thể lên tới 2,5 - 3 tấn/ha), cùng gần 300.000 ha diện tích trồng điều, Việt Nam có thể xây dựng dược vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động trong việc điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu.

Mục tiêu xuất khẩu 3,3 tỷ USD trong năm 2017 (trong đó xuất khẩu điều nhân đạt 3 tỷ USD và phần còn lại là các sản phẩm phụ) nhiều khả năng sẽ hoàn thành do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới ngày càng tăng, đặc biệt thị hiếu tiêu dùng của người dân tại các nước phát triển ngày càng ưa chuộng hạt điều.

Theo số liệu từ INC Global Statistics Review, nhu cầu về điều trên thế giới giai đoạn 2009 - 2014 là 6,1%, trong khi sản lượng điều nhân thế giới giai đoạn 2005 - 2016 chỉ đạt 3,5%.

Hạt điều hiện đang được đánh giá là loại hạt được ưa chuộng tại các quốc gia có thu nhập cao, và có cơ hội ngang với hạt hạnh nhân trở thành hạt có lượng tiêu thụ lớn nhất thế giới. Mặc dù hạt điều tiêu thụ thấp hơn so với hạt hạnh nhân, song tốc độ tiêu thụ tăng trưởng cao hơn.

Bộ Công Thương cho biết trong bối cảnh hạt điều và hạt hạnh nhân là hai loại hạt được ưa chuộng nhất tại các quốc gia có thu nhập cao và trung bình, và trong khi hạt hạnh nhân có dấu hiệu tăng trưởng chững lại, thì đây là cơ hội cho hạt điều tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường.

Sản xuất hạt điều nội địa duy trì ở mức thấp

Tuy nhiên, sản xuất điều trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu thị trường và đang có dấu hiệu suy giảm sản lượng, hiệu quả sản xuất thấp.

Bên cạnh yếu tố thời tiết không thuận lợi, nguồn cung điều trong nước thiếu hụt còn do ngành điều chưa đầu tư thâm canh phù hợp, sản xuất điều phân tán, trình độ thâm canh chưa cao, công tác chọn giống chưa phù hợp, hệ thống tưới tiêu còn nhiều hạn chế. Dự kiến, sản lượng điều thô sản xuất trong năm 2017 đạt khoảng 252.000 tấn, giảm gần 52.000 tấn so với năm 2016.

Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế, hiện tỷ lệ nhập khẩu điều thô trên tổng sản lượng điều thô chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng lớn ở mức 65% - 70%, và có xu hướng tăng trong bối cảnh diện tích gieo trồng của cây điều giảm liên tục từ năm 2007 với tốc độ hơn 4%/năm và năng suất không có sự cải thiện đáng kể. Đáng lưu ý, hiện nay, sản phẩm điều chế biến sâu xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 15 - 20%.

Việc nguồn cung thiếu hụt đã đẩy giá hạt điều tăng mạnh và hiện đang đạt mức đỉnh cao. Tại Đồng Nai, giá thu mua hạt điều khô ở mức 49.000 - 50.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng so với đầu năm. Trong khi tại Bình Phước, giá thu mua hạt điều khô đạt 49.500 đồng/kg, tăng 3.500 đồng/kg. Ðây là mức cao nhất từ nhiều năm trở lại đây do nguồn cung nội địa khan hiếm trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Ngày 30/9, tham gia hội nghị “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành điều Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn khi nhu cầu trên thế giới ngày càng tăng, trong khi nguồn cung duy trì ở mức thấp. Đồng thời, yêu cầu Tập đoàn Pan nhanh chóng tập trung phát triển mô hình chuỗi giá trị để xây dựng vùng nguyên liệu điều nhằm chủ động nguồn liệu sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vì tiềm năng phát triển của ngành điều còn rất lớn.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước cần rà soát tổng thể phát triển ngành điều nhằm xác định chương trình khoa học, khuyến nông, sau đó đề xuất các yêu cầu trên tinh thần thực tiễn.

Lyly Cao