VIC và MSN giảm sâu, VN-Index vẫn vươn cao
Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng nhẹ 1,83 điểm (0,27%) lên mức 686,72 điểm. Toàn sàn có 115 mã tăng, 127 mã giảm và 57 mã đứng giá. Phiên hôm nay chỉ số VN-Index đã phải chịu áp lực rất lớn từ các cổ phiếu như VIC, MSN, KDC… Đáng chú ý, VIC phiên hôm nay giảm mạnh 1.300 đồng xuống 44.650 đồng/CP, còn MSN giảm 3.100 đồng xuống 67.500 đồng/CP.
Việc chỉ số VN-Index vẫn chốt phiên trong sắc xanh nhẹ là nhờ vào lực đỡ của các cổ phiếu trụ cột như BID, BVH, VCB, SSI, GAS… Trong đó, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình giá dầu thế giới, nhưng cuối phiên GAS bất ngờ tăng trở lại 700 đồng lên 70.000 đồng/CP. BID tăng mạnh 550 đồng lên 17.350 đồng/CP.
Giao dịch trên sàn HOSE phiên hôm nay diễn ra tương đối sôi động. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 128 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.823 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 523 tỷ đồng. FLC giảm 110 đồng xuống 4.790 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 9,7 triệu cổ phiếu.
Chỉ số HNX-Index phiên hôm nay cũng tăng 0,84 đểm (1,01%) lên 84,32 điểm. Toàn sàn có 81 mã tăng, 87 mã giảm và 187 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 40 triệu cổ phiếu, trị giá trên 491 tỷ đồng.
Phiên hôm nay, khá nhiều cổ phiếu có tính dẫn dắt trên HNX như AAA, ACB, BVS… duy trì được mức tăng mạnh và góp phần củng cố vào đà tăng của chỉ số HNX-Index. ACB tăng 900 đồng lên 18.200 đồng/CP. BVS tăng 800 đồng lên 17.400 đồng/CP.
Sau khoảng thời gian giao dịch có phần khá tích cực ở đầu phiên sáng, áp lực bán bất ngờ tăng cao đã đẩy nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường giảm giá như VIC, VNM, BVH, KDC… Trong đó, VIC tiếp tục giảm mạnh 1.250 đồng xuống 44.700 đồng/CP. Thông tin VIC chuyển đổi hệ thống Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, cam kết dành 100% lợi nhuận cho xã hội được cho là đã tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu này. Bên cạnh đó, VNM giảm 200 đồng xuống 139.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1 triệu cổ phiếu. BVH giảm mạnh 1.100 đồng xuống 69.300 đồng/CP.
Đáng chú ý, các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí như GAS, PVD, PXS… vẫn tiếp tục chìm trong sắc đỏ.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh vẫn được duy trì rất tốt trên các cổ phiếu lớn khác như VCB, STB, SSI, CTG, BID… điều này đã khiến giao dịch trên thị trường trở nên cân bằng hơn và đà giảm của chỉ số VN-Index không bị nới rộng thêm.
Phiên sáng nay, giao dịch trên sàn HOSE đa phần tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, KBC, DLG, HAG… Trong đó FLC giảm 120 đồng xuống 4.780 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 6 triệu cổ phiếu.
Khép phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 0,54 điểm (-0,08%) xuống còn 684,35 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 116 mã giảm và 91 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 72 triệu cổ phiếu, tương ứn hơn 1.612 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 237 tỷ đồng và chủ yếu là đến từ mã PAC.
Trái ngược với VN-Index, chỉ số HNX-Index phiên sáng tăng 0,65 điểm (0,78%) lên 84,13 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 82 mã giảm và 218 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 22 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 286 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index phiên sáng nay duy trì vững sắc xanh là nhờ lực đỡ vững chắc đến từ các cổ phiếu có tính dẫn dắt như ACB, AAA, PVI, VCG…Trong đó, ACB gây chú ý với việc tăng mạnh 900 đồng lên 18.200 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu nhóm dầu khí trên HNX là PVS, PVC, PVB, PVS… vẫn chìm trong sắc đỏ.
-----
Sau khi phá vỡ vùng đỉnh cũ ở phiên hôm qua, thị trường bước vào phiên giao dịch mới với sự rung lắc nhẹ. Một số cổ phiếu như VIC, FPT, BVH, STB, MSN, NTP… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu và đang gây ra một số áp lực lên hai chỉ số. Đáng chú ý, VIC đang giảm mạnh 950 đồng xuống 45.000 đồng/CP. Được biết, VIC mới đây đã phát đi thông cáo chuyển đổi hệ thống Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, cam kết dành 100% lợi nhuận cho xã hội.
Các cổ phiếu dầu khí trên thị trường như GAS, PVD, PVS, PVC… đều chìm trong sắc đỏ. Giá dầu giảm khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày 27/9 sau khi 2 thành viên đứng đầu của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) dập tan những hy vọng về một thỏa thuận có thể đạt được trong cuộc họp đang diễn ra tại Algeria.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh đang được duy trì khá tốt trên nhiều cổ phiếu lớn khác như VNM, VCB, SSI, AAA, DBC… Trong đó, VCB tăng 300 đồng lên 38.900 đồng/CP. HPG tăng 400 đồng lên 46.650 đồng/CP, hôm nay là ngày giao dịch bổ sung của hơn 109,9 triệu cổ phiếu HPG, đây là số lượng cổ phiếu HPG phát hành để trả cổ tức.
Hiện tại, giao dịch trên thị trường đang diễn ra tương đối thận trọng. FLC và PVX là hai mã hiếm hoi khớp lệnh được trên 1 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, ngay từ đầu phiên giao dịch, PAC đã có thỏa thuận gần 4,9 triệu cổ phiếu, trị giá gần 196 tỷ đồng.
Sau 35 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,62 điểm (0,09%) lên mức 685,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 19 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 517 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index tăng 0,38 điểm (0,45%) lên mức 83,86 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 88 tỷ đồng.
Theo VCBS, xu hướng tăng trung hạn đang dần có dấu hiệu hình thành trở lại với nền tảng ổn định đặc biệt là dòng tiền, nhóm cổ phiếu dẫn dắt hay các tin tức hỗ trợ. Điểm trừ trong phiên giao dịch hôm qua là việc khối ngoại bán ròng mạnh trở lại tập trung một số bluechips như VNM, HPG hay KBC. Tuy nhiên, xét tới thanh khoản dồi dào từ hệ thống Ngân hàng cũng như tín hiệu bước đầu về đợt điều chỉnh hạ lãi suất huy động, VCBS cho rằng, chỉ số vẫn còn dư địa tăng và hoàn toàn có thể thiết lập những mặt bằng giá mới đặc biệt khi kỳ công bố Kết quả kinh doanh Quý 3 đang tới gần. Theo đó, lựa chọn của VCBS trong giai đoạn này là giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục tập trung vào nhóm blue-chips dẫn dắt chỉ số và nhóm cổ phiếu cơ bản đầu ngành có tiềm năng kết quả kinh doanh sáng và lựa chọn các vùng giá hợp lý trong phiên để cân nhắc nâng cao tỷ trọng danh mục. |
Theo Bình Minh
Người Đồng Hành