|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao nhà đầu tư chứng khoán trong tâm lý ‘chim sợ cành cong’ dù lãi suất liên tiếp giảm?

17:20 | 20/06/2023
Chia sẻ
Sự sôi động của thị trường chứng khoán dần trở lại và các quỹ đầu tư duy trì góc nhìn tích cực về thị trường. Thậm chí nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund còn dự báo VN-Index sớm trở mốc đỉnh cũ 1.500 điểm thời gian tới.

Lãi suất liên tục giảm, chứng khoán sôi động trở lại

Theo quan sát, những yếu tố rủi ro với thị trường đang dần được tháo gỡ. Mối lo trái phiếu doanh nghiệp bớt nóng hơn hơn với quy định mới, nhiều doanh nghiệp thương thảo được với trái chủ để giãn thời gian trả gốc và nợ vay. Một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu thời gian gần đây cho thấy dấu hiệu ấm lên.

Với chứng khoán, một yếu tố mang độ nhạy nhất đó là lãi suất. Bốn đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong 6 tháng, lãi suất huy động sau cuộc đua cuối năm ngoái cũng dần hạ nhiệt, hiện tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng quốc doanh còn 6,3%/năm.

Lãi suất chính là yếu tố khiến giới đầu tư kỳ vọng dòng vốn từ kênh tiết kiệm truyền thống sẽ phân bổ sang các sản phẩm đầu tư tài chính khác, trong đó có chứng khoán. Trên thực tế, thanh khoản giao dịch chứng khoán tăng lên thời gian gần đây, dòng tiền nội từ nhà đầu tư cá nhân gia nhập đối ứng lực bán ròng của khối ngoại. Những phiên giao dịch quy mô tỷ USD dần trở lại thị trường.

Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi những thông tin trong nước khác như quyết định giảm thuế VAT, hoạt động đầu tư công với các dự án giao thông trọng điểm.

Tuy nhiên, hành vi đám đông vẫn khá dè dặt với thị trường, một bộ phận hoài nghi khả năng thị trường quay trở lại sóng tăng, hình thành một chu kỳ mới. Bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán cũng đưa ra quan điểm đối lập. Một số quan điểm cho rằng thị trường vẫn cần một thời gian để tích lũy dài hơn cho một chu kỳ mới.

Xu hướng giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn: LH tổng hợp.

Bữa tiệc liệu có kéo dài chỉ với câu chuyện lãi suất?

Nhìn một cách thận trọng, lãi suất trong xu hướng giảm, chứng khoán phản ánh kỳ vọng, nhưng bức tranh tài chính doanh nghiệp chưa mấy sáng sủa. Nhóm bất động sản vẫn loay hoay trong câu chuyện nợ trái phiếu, nhóm sản xuất như dệt may, thủy sản, bán lẻ chịu tác động tiêu cực do nhu cầu yếu. Xu hướng giá của một số loại hàng hóa như thép, xi măng cũng không ủng hộ kết quả kinh doanh của ngành.

Nếu xét theo công thức định giá P/E, nếu mức giá P tăng lên khi thị trường hồi phục trong khi lợi nhuận doanh nghiệp (E) không tăng tương ứng, thậm chí nguy cơ giảm do số lượng doanh nghiệp kế hoạch lỗ ngày nhiều hơn. P/E tăng lên hàm ý thị trường đang đắt hơn.

Nhưng tổ chức ngoại đang đặt kỳ vọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, rằng những gì xấu nhất đã đi qua. Nhà quản lỹ quỹ Pyn Elite Fund – ông Petri Deryng nhắc lại quan điểm nhiều lần trong báo cáo gửi ra cho các nhà đầu tư, năm 2023 chứng khoán Việt Nam khởi sắc do cú lao dốc năm 2022 đưa giá cổ phiếu xuống mức quá rẻ.

Nếu tính từ thời điểm thị trường tạo đáy vào giữa tháng 11 năm ngoái, nhiều cổ phiếu tăng giá nhiều lần, một số mã tăng giá gấp 3, 4 lần chỉ sau ít tháng. Nhưng thị giá hiện nay của nhiều cổ phiếu vẫn thấp hơn nhiều so với vùng đỉnh được thiết lập trước đó. Nếu vẫn đang nắm giữ cổ phiếu khi VN-Index ở vùng 1.500 điểm, không ít nhà đầu tư vẫn đang chịu mức lỗ trên 50%.

Tới đây, xu hướng tăng giá chóng vánh từ vùng đáy tạo tâm lý “chim sợ cành cong”, một bộ phận nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu đảo chiều ngắn hạn khi mua mới, trong khi cổ phiếu có khả năng đảo chiều ngay sau khi bán cắt lỗ để cơ cấu danh mục.

Những điểm còn lo ngại trên thị trường

Nhà đầu ngoại kỳ vọng những gì xấu nhất đã đi qua như vừa đề cập, thị trường chứng khoán chuyển biến tích cực, nhưng điều đó chưa đủ để xác nhận một trạng thái tốt cho hoạt động đầu tư. Bởi những yếu tố nền tảng như vĩ mô, khả năng tài chính của doanh nghiệp vẫn là tiên quyết, đặt lên hàng đầu.

Trong báo cáo mới nhất, ông Petri Deryng cho rằng nhiều nhà đầu tư vẫn muốn quan sát dữ liệu vĩ mô vững chắc hơn, xác nhận xu hướng tăng trưởng trở lại. Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng GDP trong quý I của Việt Nam chỉ đạt 3,3%, là một con số thấp với một nền kinh tế đang phát triển nhanh khi mức bình quân những năm qua là 6%.

Hoạt động xuất khẩu giảm 11,5% trong 5 tháng đầu năm nhưng có sự tích cực hơn trong tháng 5 vừa qua khi chỉ giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu kém đi khiến doanh nghiệp nhóm này báo cáo lợi nhuận thấp hai quý liên tiếp.

Song, một điểm sáng vĩ mô Việt Nam là lạm phát vẫn ở mức vừa phải và các quyết sách tác động tích cực lên cầu nội địa của chính phủ.

Hoàng Linh

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.