|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao ngân hàng cần cung cấp thông tin khách hàng cho người nộp thuế?

20:55 | 27/11/2020
Chia sẻ
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối, chứ không chỉ riêng liên quan đến thông tin tài khoản khách hàng.

Kể từ ngày 5/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Quản thuế chính thức có hiệu lực; trong đó, có nội dung liên quan đến việc các ngân hàng phải cung cấp thông tin của người nộp thuế cho cơ quan thuế trong những trường hợp nhất định.

Điều này đang dấy lên lo ngại rủi ro rò rỉ thông tin khách hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là vấn đề mới mà là biện pháp cần thiết trong quá trình đôn đốc thu thuế trong một số trường hợp có dấu hiệu trốn thuế.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc các ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế theo qui định Nghị định 126 không phải là mới.

Xét theo thông lệ quốc tế, đã từ lâu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của công dân Mỹ cho cơ quan thuế của Mỹ theo nội dung hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Mỹ.

Hay trước đây, chúng ta vẫn nghe chuyện các ngân hàng Thụy Sĩ bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng. Thế nhưng gần đây Chính phủ nước này và cộng đồng Châu Âu đã đấu tranh và hiện các ngân hàng Thụy Sĩ phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản nhà nước khi có yêu cầu.

Do vậy, ông Minh cho rằng, việc các ngân hàng cung cấp thông tin cho các cơ quan thuế theo nội dung Nghị định 126 là phù hợp với thông lệ quốc tế và không có gì mới lạ. Đây cũng là trách nhiệm của ngành ngân hàng. 

Các ngân hàng không thể lấy lí do bảo mật thông tin khách hàng để né trách trách nhiệm cung cấp thông tin. Bởi lẽ, việc cơ quan quản thuế lấy thông tin giao dịch là để phục vụ công tác thu thuế, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, việc các ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế sẽ giúp cơ quan này nắm được dòng tiền của các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới. 

Nhất là khi càng có nhiều cá nhân nhận thu nhập khi kinh doanh qua các nền tảng như: Amazon, Google, Youtube…  Từ đó động viên tuyên truyền các trường hợp này tự giác kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân theo qui định của pháp luật.

Đối với những lo ngại rò rỉ thông tin khách hàng, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối, chứ không chỉ riêng liên quan đến thông tin tài khoản khách hàng. Vấn đề này đã được cơ quan thuế thực hiện rất tốt trong nhiều năm qua.

Diễn giải thêm nội dung này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, cần hiểu đúng hơn về Nghị định 126. Việc ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch khách hàng cho cơ quan thuế không phải câu chuyện mới, mà chỉ luật hóa nội dung đã thực hiện từ trước.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng không có trách nhiệm cung cấp toàn bộ thông tin khách hàng mà chỉ cung cấp thông tin đối với những trường hợp cơ quan thuế có yêu cầu. Và thông thường, những đối tượng này cũng có vấn đề về thuế, cần các ngân hàng tham gia xác minh để hỗ trợ thu thuế theo qui định pháp luật.

Nội dung của Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan thuế chỉ được phép sử dụng cho mục đích thu thuế, chứ không được phép sử dụng cho mục tiêu khác. Đồng thời, phải đảm bảo qui tắc bảo mật thông tin như qui định của nhà nước đối với cá nhân khách hàng.

Đối với một số ý kiến băn khoăn, nếu áp dụng theo Nghị định 126 sẽ xuất hiện tình trạng một số khách hàng chuyển sang thanh toán tiền mặt, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, không quá lo ngại về vấn đề này. 

Thực tế, những khách hàng đã thanh toán điện tử một cách công khai minh bạch thì đương nhiên không có vấn đề e ngại về thuế. Họ chẳng có lí do gì để quay lại thanh toán bằng tiền mặt.

Đối tượng còn lại thì không nhiều. Bởi lẽ, những trường hợp nợ đọng thuế thường phía cơ quan thuế đã có danh sách và lâu nay cũng áp dụng nhiều biện pháp truy thu thuế.

Do vậy, việc ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế thực chất là một công cụ để ngành thuế nắm dòng tiền của các đối tượng có nguy cơ “lọt” thuế. Từ đó, có biện pháp động viên người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế theo qui định pháp luật hiện hành.

Dưới góc độ của ngân hàng, ông Đàm Hồng Tiến, Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng xác nhận, việc ngân hàng cung cấp dữ liệu thông tin giao dịch khách hàng đến cơ quan thuế cũng đã có từ lâu. 

Trong một số trường hợp nhất định, khi cơ quan thuế có văn bản yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng thì ngân hàng buộc phải thực hiện theo đúng qui định của pháp luật.

Tuy nhiên, với các qui định mới trong Nghị định 126, các ngân hàng vẫn đang chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn việc thực hiện nội dung này; đồng thời, các ngân hàng cũng đang chuẩn bị các phương án để đáp ứng yêu cầu theo qui định pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện tốt nội dung này của Nghị định 126, cần có cơ chế liên thông giữa cơ quan thuế và hệ thống ngân hàng để việc trao đổi thông tin dữ liệu được thuận lợi hơn. 

Cả hai bên cần xác định rõ đối tượng, tiêu chí khách hàng nào phải cung cấp thông tin, từ đó xác định phương thức cung cấp cũng như chuyện cam kết bảo mật thông tin phải được thực hiện như thế nào…

“Bước đầu việc triển khai Nghị định 126 có thể sẽ gặp khó khăn một phần nào đó liên quan đến vấn đề thông tin, chia sẻ dữ liệu… nhưng đây là việc cần thiết vì lợi ích toàn cục của nền kinh tế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Tất nhiên, hai bên thuế và ngân hàng cần phải ngồi lại với nhau để xác lập tiêu chí và cách làm cụ thể, tránh tạo ra thủ tục hành chính quá phức tạp cồng kềnh và tốn kém”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực lưu ý.

H.Chung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.