|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Mỹ sẽ luôn sống sót trong cuộc chiến giá dầu?

20:43 | 19/04/2020
Chia sẻ
Câu hỏi tương lai của thị trường dầu dường như phụ thuộc vào ai là người trả lời. Nhiều thành phần trong ngành và giới chuyên gia bi quan như ngày tận thế, nhưng cũng có người cho rằng ngành dầu đá phiến của Mỹ không chỉ sẵn sàng trở lại, mà sẽ còn tốt hơn bao giờ hết.

Đầu tháng trước, giá dầu toàn cầu đã trải qua một ngày tồi tệ nhất trong gần 30 năm qua do các sự kiện địa chính trị và dịch do virus corona lây lan.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phải đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của virus corona và bất cứ khi nào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xảy ra điều gì, phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ cảm nhận được dư chấn, theo Oil Price.

Đầu tiên, nhu cầu về dầu giảm mạnh. Điều này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo OPEC+, Arab Saudi và Nga tham gia những cuộc đàm phán để xác định cách họ sẽ phản ứng với sự sụt giảm lớn này. Các cuộc đàm phán đã không diễn ra tốt đẹp, Nga và liên minh của Arab Saudi nhanh chóng chuyển sang một cuộc chiến giá dầu toàn diện.

Tất cả điều này đã xảy ra vào ngày 9/3, khi giá dầu giảm 30% một cách ngoạn mục.

Giá dầu thô Brent đã mất 15,65 USD trong một tuần và dừng ở mức 34,36 USD/thùng hôm 30/3, trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 14,6 USD xuống 31,13 USD/thùng”, theo mục kinh doanh của báo the National.

Kể từ đó, ngành công nghiệp năng lượng đã nín thở chờ đợi gói kích cầu, trong khi mỏ dầu đá phiến Permian ghi nhận sự sa thải hàng chục nghìn người.

Sự lạc quan chưa bào giờ tắt

Tuy nhiên, một số chuyên gia và thành phần trong ngành lại lạc quan về sự phục hồi hàng loạt. Một trong số đó là Goldman Sachs. Công ty này cho rằng ngành công nghiệp dầu đá phiến, vốn đang rất chật vật để tồn tại, của Mỹ đã sẵn sàng trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng dầu như một người chiến thắng, theo Bloomberg.

Trong một thông báo ngày 31/3, nhà phân tích Damien Courvalin của Goldman Sachs cho hay giếng khoan chịu được áp lực cao và thời gian khoan ngắn của ngành dầu đá phiến nghĩa là ngành này có cơ hội để hưởng lợi, nếu sự sụt giảm về giá hiện tại gây ra thiệt hại lâu dài cho năng lực sản xuất, dẫn đến giá nhảy vọt khi nhu cầu phục hồi.

Vì sao Mỹ sẽ luôn sống sót trong cuộc chiến giá dầu? - Ảnh 1.

Ảnh: Bloomberg.

Goldman Sachs không phải là cơ quan duy nhất thể hiện quan điểm lạc quan. Daniel Yergin, một nhà chuyên gia về dầu mỏ từng đoạt giải Pulitzer kiêm phó chủ tịch của IHS Markit, chia sẻ với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng các công ty phá sản, nhưng đá không thể phá sản, và khi tất cả đều cải tổ , sẽ có người khác phát triển ngành dầu đá phiến.

Vincent G. Piazza, nhà phân tích dầu mỏ cao cấp của Bloomberg Intelligence, thậm chí tin rằng đá phiến sẽ không chỉ phục hồi mà còn tốt hơn bao giờ hết.

Trong một kịch bản không giống như chọn lọc tự nhiên của Darwin, các công ty yếu nhất bị loại bỏ và các công ty mạnh, hiệu quả nhất sẽ sống sot. Các công ty này kiên cường, với công nghệ hiện đại hơn và chuẩn bị tốt hơn cho biến động thị trường trong tương lai.

Những công ty yếu sẽ rơi vào tay những công ty tốt hơn, ông nói. “Ngành sẽ tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn 2014 - 2016. Bảng tài sản sẽ tốt hơn rất nhiều. Tôi sẽ không đánh giá thấp khả năng tự tái tạo của ngành công nghiệp dầu đá phiến", ông Piazza chia sẻ.

Kịch bản này không phải là chưa từng có. Trong đợt khủng hoảng dầu 2014 - 2016, giá dầu giảm thấp hơn nhiều so với hiện tại, và không lâu sau đó, dầu đá phiến phục hồi chưa từng có đã làm thay đổi ngành năng lượng toàn cầu.

“Ngành dầu đá phiến của Mỹ đã gây chấn động thế giới khi hồi phục sau khủng hoảng dầu 2014 - 2016, lập kỉ lục sản lượng và đưa Mỹ lên vị trí hàng đầu trong các quốc gia sản xuất dầu", theo Bloomberg.

Trớ trêu thay, chính vụ khủng hoảng dầu 2014 - 2016 đã hình thành liên minh giữa Arab Saudi và Nga nhưng đã tan vỡ và dẫn đến vụ khủng hoảng vừa qua.

Tố Tố