|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam sụt giảm?

10:52 | 17/09/2019
Chia sẻ
Việt Nam được xem là một trong những điểm đến ưa thích nhất của du khách Trung Quốc, tuy nhiên thị trường khách sạn tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 lại ghi nhận mức giảm 3% tổng lượt khách Trung Quốc và giảm 10% hệ số RevPAR.

Theo báo cáo mới công bố của Savills, hoạt động kinh doanh khách sạn tại Châu Á Thái Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2019 không có nhiều tín hiệu tích cực khi phần lớn các quốc gia trong khu vực đều báo cáo kết quả hoạt động không khả quan.

Cụ thể, toàn khu vực chứng kiến sự sụt giảm về cả công suất và giá phòng, lần lượt là 1,3% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số RevPAR (Revenue Per Available Room - chỉ số thể hiện mức doanh thu thu được dựa trên số phòng hiện có của khách sạn) trung bình của khu vực giảm gần 6%. 

tq

Lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam đang sụt giảm. Ảnh minh họa: Kinh tế đô thị.

Theo Savills, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này có thể kể đến sự sụt giảm của lượng du khách Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường nguồn khách lớn nhất của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về lượng khách của quốc gia này cũng gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch toàn cầu.

Lượng khách Trung Quốc đến các điểm du lịch Châu Á hiện đang có dấu hiệu sụy giảm trong những năm gần đây. Theo như số liệu vừa được công bố tại Thái Lan, lượt khách Trung Quốc đến quốc gia này đã giảm 4,73% vào trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. 

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường khách sạn ghi nhận mức giảm 3% tổng lượt khách Trung Quốc và 10% hệ số RevPAR trong nửa đầu năm 2019. 

Mặc dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan, ngành du lịch Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng khi lượt khách quốc tế đến trong nửa đầu năm 2019 đạt khoảng 8,5 triệu lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Khách quốc tế đến Việt Nam từ các quốc gia Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 45%, 27% và 21%. Đây đều là những thị trường du khách chiếm thị phần lớn (sau Trung Quốc). 

Do vậy, mặc dù lượng khách Trung Quốc giảm nhẹ (-3%) như hiện nay, thị trường du lịch Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng lượt khách quốc tế ổn định.

Savills cho hay, lượng khách Trung Quốc sụt giảm có thể giải thích bởi nhiều yếu tố, trong đó bao gồm sự giảm giá của đồng Nhân dân tê, sự suy giảm kinh tế cũng như sự sụt giảm của chỉ số niềm tin người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Học viện Du lịch Trung Quốc và Công Ty Lữ Hành Ctrip, hiện nay số lượng người dân Trung Quốc đang sở hữu hộ chiếu rất ít (chiếm chưa tới 10%) và con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. 

Điều này đồng nghĩa với việc còn rất nhiều người dân Trung Quốc sẽ đi du lịch nước ngoài trong tương lai gần và khả năng cao là họ sẽ ghé thăm các quốc gia lân cận như Việt Nam hay Thái Lan trong những chuyến xuất ngoại đầu tiên. 

Như vậy, sẽ còn rất nhiều tiềm năng cũng như cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Mặt khác, theo số liệu thống kê du lịch trong và ngoài nước, mức chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc trong các dịp lễ tết tuy không nhiều như trước đây nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Việt Nam được xem là một trong những điểm đến ưa thích nhất của du khách Trung Quốc, do vậy, Savills cho rằng hoàn toàn có cơ sở để hi vọng vào những cơ hội phát triển cho ngành du lịch của Việt Nam.

Với hơn 30.000 phòng dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020, Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực về mặt số phòng, theo sau là Indonesia, Thailand, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc. 

Mặt khác, dựa trên phân tích về chỉ số CAGR trong 10 năm của Savills Hotels, lượt khách quốc tế dự kiến sẽ đạt 30 triệu vào năm 2023. Đây cũng được xem là triển vọng lớn cho ngành du lịch của Việt Nam trong tương lai. 

Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là hiện nay thị trường đang phải đón nhận một lượng lớn các dự án condotel trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng khách du lịch đang tăng chậm lại dẫn tới việc thị trường có thể sẽ phải đối mặt với sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nguồn cầu. Điều này khiến cho chỉ số RevPAR có khả năng sẽ tiếp tục suy giảm trong tương lai.

K.Hà

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.