|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vì sao Hà Nội nợ dân hàng nghìn sổ đỏ căn hộ?

06:36 | 09/08/2019
Chia sẻ
Câu chuyện cấp rồi thu hồi, rồi hủy thu hồi sổ đỏ một số căn hộ chung cư do tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư vừa qua gây hoang mang cho người dân. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội công bố hàng chục nghìn căn hộ vẫn đang phải chờ cấp sổ đỏ.

Muôn kiểu chậm làm sổ đỏ

Không ít chung cư sau nhiều năm dọn về sinh sống, người dân vẫn trong tình trạng mòn mỏi chờ được cấp giấy chứng nhận sở hữu cho căn hộ (sổ đỏ). Theo một báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 108 dự án có tranh chấp, thì có 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho cư dân.

Tại dự án Star City Lê Văn Lương, cả trăm cư dân đã nhiều lần xuống đường để phản đối chủ đầu tư trong việc không thực hiện đầy đủ các cam kết. Trong đó, việc chờ sổ đỏ là bức xúc lớn nhất của người dân khi họ đã bỏ ra vài tỷ đồng mua nhà tại dự án. 

Cư dân tại đây cho biết, nhiều hộ dân đã hoàn thành mọi nghĩa vụ, vào nhận nhà cũng được 3 năm nhưng đến nay vẫn trong tình trạng ngóng chờ từng ngày được cấp sổ. Nguyên nhân do chung cư này chưa được hoàn công nên chưa đủ điều kiện để cấp sổ đỏ.

Tại một dự án khác tại Hà Đông - chung cư Westa do Công ty Cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư, người dân cũng phản ánh được nhận bàn giao nhà từ năm 2014 nhưng đến giờ họ vẫn chưa được làm sổ đỏ. Qua thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cư dân mới được biết nguyên nhân là chủ đầu tư đang thế chấp cả toà nhà trong ngân hàng.

Do tiến độ cấp sổ đỏ chậm, mới đây hàng trăm cư dân tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đã gửi đơn kêu cứu lên thành phố. Theo báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, từ tháng 1/2018 đến hết tháng 2/2019, đơn vị này đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp 571 giấy chứng nhận tại dự án khu đô thị Đặng Xá. 

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 571 giấy chứng nhận cho người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cụ thể: Đã trả 282 giấy chứng nhận; Chưa trả 289 giấy chứng nhận (đang lưu tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội).

Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, lý do chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu  cho cư dân có thể do chủ đầu tư chậm trễ trong việc cung cấp diện tích sử dụng chung và diện tích xây dựng đối với các toà nhà làm căn cứ cho cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính của người mua nhà; Hoặc do hồ sơ chủ đầu tư nộp thay cho các hộ dân còn thiếu giấy tờ kèm theo...

Luật chưa nghiêm hay chế tài nhẹ?

Luật sư Nguyễn Thanh Hiền, Công ty Luật TNHH ATIM cho biết, Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định rõ  chế tài xử phạt khi chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ). 

Theo đó, tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, nếu quá thời hạn quy định sẽ bị phạt tiền. Thời gian chậm cấp giấy chứng nhận được tính kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở. 

Mức phạt sẽ phụ thuộc vào thời gian và số lượng hộ gia đình, cá nhân bị chậm cấp, cụ thể: Từ 3 đến 6 tháng với từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt từ trên 50-100 triệu đồng; từ trên 12 tháng với từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt từ trên 500 triệu-1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo luật sư Hiền, mức phạt này vẫn chưa đủ răn đe nhằm hạn chế chủ đầu tư vi phạm. “Vấn đề ở chỗ chủ đầu tư đang mắc các vi phạm khác khiến dự án không đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Ví dụ như xây vượt tầng hoặc tìm mọi cách để bổ sung căn hộ chẳng hạn, khoản lợi nhuận từ đó sẽ thừa bù lại khoản tiền nộp phạt…”, Luật sư Hiền nói.

Bên cạnh đó, mức phạt trên chỉ áp dụng với tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán, không áp dụng với cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

“Do vậy, nếu gặp trường hợp chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người mua nhà có thể yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện thủ tục hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm nói trên”, Luật sư Nguyễn Thanh Hiền khuyến cáo.


Báo cáo thống kê đất đai vừa công bố của Sở TNMT Hà Nội cho thấy, tính đến hết năm 2017, Sở TNMT Hà Nội đã cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở chủ đầu tư đã xây dựng xong và đã lập hồ sơ trình Sở TNMT thẩm định cho 155.656 căn/178.278 căn, đạt 87,31%. Theo báo cáo, tính đến hết năm 2017, còn 22.622 căn hộ đang được tiếp tục triển khai cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, ước có khoảng 23.260 căn chung cư và nhà tái định cư chưa được cấp giấy chứng nhận.



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

​Ngọc Mai

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.