Vì sao giá thịt heo vẫn cao ngất ngưởng khi giá heo hơi chạm đáy 2 năm?
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 8, giá heo hơi tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi.
Cuối tháng 8, giá heo hơi trên toàn quốc giảm xuống từ 50.000-56.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với tháng 7. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.
Mặc dù giá heo sống giảm mạnh, giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển.
Cùng thời điểm, khảo sát giá thịt heo tại tại Công ty Thực phẩm Tươi sống Hà Hiền ghi nhận mức giá bán dao động 50.000 - 220.000 đồng/kg, tăng 5 - 10% so với tháng 7 và tăng 20 - 25% so với tháng 1.
Đáng chú ý, giá sườn heo non có mức tăng mạnh nhất với 220.000 đồng/kg, tăng gần 25% so với tháng 1. Tiếp đến giá thịt ba rọi heo với 185.000 đồng/kg, tăng 23% so với tháng 1.
Trao đổi với VTC News, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng việc tiêu thụ thực phẩm đang qua khá nhiều khâu trung gian từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn heo mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ.
Mỗi khâu trung gian hưởng 8-10% thì giá thịt heo đến tay người tiêu dùng sẽ rất cao. Bên cạnh đó, nếu siêu thị áp dụng mức chiết khấu từ 20% trở lên, vô hình chung góp phần đẩy giá thịt heo lên cao.
Theo ông Phú, giá thịt heo thành phẩm đang theo các cấp: chợ ven đô, chợ dân sinh giữa trung tâm thành phố, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và các siêu thị và trung tâm thương mại lớn.
"Nhìn nhận khách quan, siêu thị, trung tâm thương mại phải chịu chi phí bảo quản thịt heo có cao hơn ở chợ, ngoài ra người tiêu dùng còn chịu thuế VAT 10%.
Nếu loại trừ thuế VAT thì giá thịt heo ở siêu thị vẫn cao hơn ngoài chợ dân sinh từ 15 - 20%", ông Phú nói.
Hiện nhiều địa phương vẫn tiếp tục giãn cách xã hội, do đó thị trường đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi heo trong 1-2 tháng tới sẽ tiếp tục giảm.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng liên tiếp 8 - 9 đợt kể từ cuối năm 2020 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá thức ăn leo thang, giá heo hơi giảm mạnh khiến nhiều HTX, trang trại lớn có nguy cơ lỗ vốn trong quý III.
Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc Hợp Tác Xã (HTX) chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm cho biết: "HTX phải nhập 100% cám heo từ công ty C.P Việt Nam trong khi thức ăn chăn nuôi chiếm 85% chi phí sản xuất.
Điều này khiến lợi nhuận của HTX giảm dần, quý I lãi được gần 2 tỷ, quý II hòa vốn, quý III đang có nguy cơ lỗ, phải nuôi không công".