Vì sao GDP không còn là chỉ số đánh giá kinh tế đáng tin cậy?
Tăng trưởng kinh tế và theo đó, phúc lợi xã hội hiện nay được đo bằng chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Là đơn vị định lượng hỗ trợ các chính phủ xây dựng vô số chính sách, GDP có chức năng theo dõi việc sản xuất tất cả hàng hóa và dịch vụ được mua bán trong một nền kinh tế mỗi năm.
Chỉ số này đã trở thành công cụ quan trọng được các nhà kinh tế, chính trị gia và học giả áp dụng để tìm hiểu xã hội.
Theo World Finance, Giáo sư Philipp Lepenies đánh giá GDP là chỉ số thống kê mạnh mẽ nhất trong lịch sử loài người và được Ngân hàng Dự trữ Liên bang St Louis xem là một trong những phát minh vĩ đại của thế kỷ 20. Tuy nhiên, mục đích và tính hiệu quả của GDP liệu có thực sự còn mạnh mẽ như vậy?
Những hoài nghi
Đã trở thành một thước đo kinh tế vĩ mô quen thuộc như vậy, thật dễ dàng để quên rằng GDP là một phát minh tương đối hiện đại.
Ban đầu, GDP chỉ là một khuôn khổ giám sát tăng trưởng kinh tế được nhà kinh tế học người Nga Simon Kuznets tạo ra cho Chính phủ Mỹ để khắc phục hậu quả của cuộc Đại suy thoái.
Gần 1 thập kỉ sau, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes đã biến nó thành chỉ số quen thuộc mà chúng ta biết đến ngày nay.
Trong một đánh giá độc lập về số liệu thống kê kinh tế của Anh xuất bản năm 2016, Charles Bean cho rằng GDP thường được xem là một bản thống kê tóm tắt về sức khỏe của nền kinh tế.
Điều này có nghĩa là nó thường được kết hợp với khối tài sản tư nhân hoặc phúc lợi dù chỉ đo lường thu nhập. Quan trọng là GDP không phản ánh sự bất bình đẳng kinh tế hoặc các yếu tố phát triển bền vững như môi trường, tài chính,...
Hơn nữa, GDP không phải là con số chính xác và hoàn hảo như nhiều người vẫn nghĩ mà chỉ là một ước tính. "Tính không chắc chắn của GDP không được đánh giá đúng mực trong các bài diễn thuyết cộng đồng bởi nhiều nhà bình luận thường qui kết độ chính xác giả định cho số liệu ước tính", Bean nói.
GDP là một trong những chỉ số quan trọng đo lường thành công của một quốc gia. Ảnh: World Finance
Sarah Arnold, Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Tổ chức kinh tế mới (NEF), nói với World Finance rằng GDP là thước đo hoạt động kinh tế và chỉ đơn giản là một biện pháp: "GDP được gắn chặt với thành công quốc gia đến mức mục tiêu theo đuổi tăng trưởng kinh tế ban đầu dường như bị lãng quên".
Ngoài những phân tích của Bean và Arnold, GDP vẫn là một thước đo thịnh vượng khá lạc hậu do không truyền tải được nhiều giá trị mới của thế giới hiện đại. GDP được phát triển trong thời đại sản xuất và tác giả David Pilling đã viết trong cuốn sách The Growth Delusion: Wealth, Poverty and the Wellbeing of Nations về điều đó.
"GDP không tệ khi hạch toán sản xuất gạch, thanh thép hay xe đạp. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế dịch vụ, một phân khúc chiếm tỉ lệ ngày càng tăng trong các nền kinh tế phát triển, nó trở nên mờ nhạt rõ rệt".
Ưu tiên GDP cho hàng hóa hữu hình cũng đồng nghĩa với thiếu sót trong nắm bắt giá trị của công nghệ. Trường hợp những đổi mới đột phá thúc đẩy tiêu dùng vô hình dễ dàng hơn, GDP chỉ thể hiện được một nền kinh tế bị thu hẹp.
Vô số dịch vụ trực tuyến miễn phí xuất hiện trong hoạt động kinh tế không thể đo bằng GDP, bao gồm Google, YouTube và Wikipedia. Theo cách đánh giá của GDP, sự đổi mới - ngay cả chất lượng dịch vụ tốt hơn - thường là yếu tố làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ở một số quốc gia khác, các lĩnh vực công việc có giá trị luôn tồn tại ngoài khuôn khổ GDP, bao gồm việc nhà, chăm sóc các thành viên gia đình hoặc bạn bè và hoạt động tình nguyện.
Trong một bài phát biểu năm 2014, Andrew Haldane, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Anh, cho biết giá trị kinh tế của hoạt động tình nguyện có thể vượt quá 50 tỉ bảng (63,7 tỉ USD) mỗi năm.
Bức tranh lớn hơn
Năm 1968, Robert Kennedy, anh trai của Tổng thống Mỹ John F Kennedy, đã chỉ trích tổng sản phẩm quốc gia - một chỉ số tương tự như GDP - rằng nó đo lường mọi thứ, ngoại trừ điều đó giúp cuộc sống trở nên đáng giá.
Arnold tin rằng nhận xét này vẫn đúng cho đến ngày hôm nay: GDP không phải là một biện pháp đặc biệt hữu ích vì không thể hiện xu hướng hoạt động kinh tế hay giúp xác định cách điều hành kinh tế.
NEF tin rằng có 5 chỉ số GDP không tính đến góp phần quan trọng vào thành công của một quốc gia nhiều hơn: chất lượng công việc, phúc lợi, khí thải carbon, bất bình đẳng và sức khỏe thể chất.
Ngân hàng Thế giới cũng đã tạo ra một thước đo mạnh mẽ hơn về tăng trưởng kinh tế: sự giàu có toàn diện. Sự giàu có toàn diện sẽ tính đến cả thu nhập và chi phí liên quan trong một số lĩnh vực, cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về phúc lợi kinh tế và con đường phát triển bền vững.
Sử dụng GDP riêng lẻ có thể cung cấp các tín hiệu sai lệch về sức khỏe của một nền kinh tế, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới Thay về khối tài sản các quốc gia 2018. Nó không phản ánh sự mất giá và cạn kiệt tài sản, đầu tư và tích lũy của cải có theo kịp tốc độ tăng dân số hay không, liệu hỗn hợp tài sản có phù hợp với mục tiêu phát triển của một quốc gia hay không.
Đối với GDP, không phân biệt giữa sản xuất tốt và xấu, lớn hơn luôn luôn tốt hơn. Vì vậy, nhiều chuyên gia tin rằng mục tiêu tăng trưởng GDP đã thúc đẩy các hoạt động gây bất lợi cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn như phá rừng, khai thác cát, đánh bắt quá mức,...
Chiến tranh và thiên tai cũng có thể là một yếu tố có lợi cho GDP do kết quả của việc tăng các chi tiêu liên quan. Mặt khác, sự giàu có toàn diện, chiếm toàn bộ tài sản của một quốc gia, bao gồm: vốn sản xuất cho nhà máy và máy móc; vốn tự nhiên như rừng và nhiên liệu hóa thạch; vốn nhân lực bao gồm giá trị thu nhập trong tương lai của lực lượng lao động và tài sản ròng.
Việc GDP không bảo vệ nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên đã được chú ý nhiều hơn trong những năm gần đây. Tài sản tự nhiên như rừng, thủy sản và khí quyển, thường được coi là tài sản tự duy trì, cố định trong khi tất cả các tài nguyên này hoàn toàn có thể và đang bị con người khai thác cạn kiệt.
Từ những năm 1990, các nhà kinh tế đã xem xét khả năng đưa một mức chỉ số vào tài nguyên thiên nhiên để đảm bảo giá trị của chúng được đánh giá nghiêm túc.
Nhà kinh tế sinh thái Robert Costanza đã xuất bản một bài báo có tựa đề Giá trị của dịch vụ hệ sinh thái thế giới và vốn tự nhiên vào năm 1997, định giá toàn bộ thế giới tự nhiên ở mức 33 triệu USD.
Dù nghiên cứu của Costanza vẫn còn gây tranh cãi, ý tưởng về sự suy giảm tự nhiên trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang trở thành vấn đề nóng trên toàn cầu. Pilling đã viết: "Khi bạn không đo một thứ gì đó bằng đơn vị tiền tệ, mọi người có xu hướng coi thường nó".