|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vì sao dự án cầu Đại Ngãi hơn 8.000 tỉ nằm 'bất động' gần 4 năm qua?

17:32 | 19/06/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cầu Đại Ngãi đã khởi động một lần cách đây 3 năm. Tuy nhiên, do có một số khó khăn nên Nhà nước không bố trí được nguồn vốn 3.000 tỉ đồng, dẫn đến nhà đầu tư "cũng không thiết tha".

Theo thông tin từ Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Sóc Trăng vừa mới có buổi tiếp xúc cử tri xã Tuân Tức (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng).

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri nêu mong muốn Bộ GTVT sớm khởi công cầu Đại Ngãi, góp phần phá thế ốc đảo cho vùng ĐBSCL nói chung, tạo điều kiện cho Sóc Trăng nói riêng phát triển mạnh mẽ.

cau

Phối cảnh cầu Đại Ngãi.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cầu Đại Ngãi đã khởi động một lần cách đây 3 năm. Tuy nhiên, do có một số khó khăn nên Nhà nước không bố trí được nguồn vốn 3.000 tỉ đồng, dẫn đến nhà đầu tư "cũng không thiết tha".

Tuy nhiên, ông Thể cũng cho hay, Bộ GTVT nhận thấy cầu Đại Ngãi là một công trình rất quan trọng. Khi cầu hoàn thành, người dân ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang đi TP HCM sẽ rút ngắn được khoảng 70km, đồng thời giúp chia sẻ giao thông trên tuyến QL1. Bộ GTVT đã phê duyệt dự án này với tổng mức đầu tư 8.040 tỉ đồng. Chính phủ Nhật Bản cũng xem đây là một trong những dự án ưu tiên ODA của Nhật Bản cho Việt Nam.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng GTVT cũng thông tin, hiện Bộ GTVT đã làm việc với một số tập đoàn tư nhân trong nước và họ sẵn sàng bỏ kinh phí ra khoảng 40.000 tỉ đồng để hình thành cụm cảng Trần Đề. Đây là cụm càng rất cần thiết để xuất nhập hàng hóa của vùng ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

Theo Bộ trưởng GTVT, nếu có cầu Đại Ngãi, có cảng Trần Đề thì Sóc Trăng sẽ từng bước "thay da đổi thịt" và phát triển tốt hơn.

Trước đó, tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây cầu Đại Ngãi bằng hai nguồn vốn đầu tư, gồm vốn hợp phần 1 là đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) và vốn hợp phần 2 là ngân sách nhà nước.

Tháng 12/2015, dự án xây dựng cầu Đại Ngãi rầm rộ làm lễ khởi động, tuy nhiên sau đó đã "án binh bất động" cho đến nay. 

Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2016, Bộ GTVT cho biết cho biết, cả hai hợp phần dự án đều đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên không thể tiếp tục thực hiện dự án cầu Đại Ngãi. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư dự án này sang sử dụng vốn vay ODA của nhà tài trợ nước ngoài.

Ngày 2/1/2019, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có dự án xây dựng cầu Đại Ngãi.

Tiếp đó, Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư cập nhật tiến độ dự án, xác định nhu cầu vốn và các nội dung liên quan tới dự án này.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 1/2019, Chính phủ ban hành nghị quyết đồng ý với nguyên tắc thẩm định vốn, khả năng cân đối vốn và thứ tự các dự án vay ODA của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Khánh Hà

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.