Vì sao đồng đô la mạnh hơn lại nguy hiểm?
Đồng đô la Mỹ trong năm nay tăng 4% so với rổ tiền tệ tính theo tỷ trọng thương mại, và các chỉ số cơ bản cho thấy đồng tiền này sẽ tiếp tục tăng giá. Khi cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra và cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều quyết tâm thúc đẩy ngành sản xuất, thế giới đang đứng trước một thời kỳ địa chính trị mới đầy khó khăn của đồng đô la mạnh.
Tình hình còn trở nên khó khăn hơn bởi sức mạnh của đồng đô la phản ánh sự yếu kém ở những nơi khác. Đến cuối năm 2023, kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 8% so với cuối năm 2019. Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản mỗi nước tăng trưởng dưới 2% trong cùng thời kỳ. Đồng yen ở mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng đô la. Đồng euro đã giảm xuống 1,07 USD đổi lấy 1 USD từ mức 1,1 USD/euro vào đầu năm. Một số nhà giao dịch dự đoán hai đồng tiền này sẽ đạt mức ngang giá vào đầu năm tới.
Nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 thì căng thẳng có khả năng leo thang. Đồng đô la mạnh có xu hướng làm tăng giá hàng xuất khẩu của Mỹ đồng thời giảm giá hàng nhập khẩu. Điều này sẽ làm tăng thêm thâm hụt thương mại của Mỹ - một vấn đề nhức nhối của ông Trump trong nhiều thập kỷ.
Theo trang tin Politico, ông Robert Lighthizer, người thiết kế mức thuế quan chống lại Trung Quốc trong thời gian ông Trump ở Nhà Trắng, muốn đồng đô la yếu đi. Tổng thống Joe Biden chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về tiền tệ, song đồng đô la mạnh đã làm phức tạp chương trình nghị sự thúc đẩy sản xuất của ông.
Ở những nơi khác, đồng bạc xanh mạnh sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu có chi phí tính bằng đồng tiền khác. Tuy nhiên, lãi suất cao của Mỹ và đồng đô la mạnh đã tạo ra lạm phát nhập khẩu, hiện đang trở nên trầm trọng do giá dầu tương đối cao. Ngoài ra, các công ty đã vay bằng đô la gặp khó khăn trong việc trả nợ. Ngày 18/4, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã cảnh báo về tác động của những diễn biến này đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.
Nhiều quốc gia có dự trữ ngoại hối dồi dào có thể bán USD để củng cố đồng nội tệ: Nhật Bản có 1.300 tỷ USD; Ấn Độ có 643 tỷ USD; và Hàn Quốc với 419 tỷ USD. Tuy nhiên, sự cứu trợ này cũng chỉ mang tính tạm thời. Mặc dù doanh số bán hàng đã làm chậm lại mức tăng của đồng đô la trong năm 2022, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, đà tăng này là không thể ngăn chặn.
Các ngân hàng trung ương và bộ tài chính không muốn lãng phí tài sản nắm giữ vào những cuộc chiến không có kết quả. Một lựa chọn khác là phối hợp quốc tế để ngăn chặn đà tăng giá của đồng bạc xanh, khởi đầu bằng việc các Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 16/4 bày tỏ lo ngại về sự mất giá của đồng yen và đồng won. Đây có thể là tiền đề cho sự can thiệp nhiều hơn - dưới hình thức bán chung dự trữ ngoại hối - để ngăn chặn hai đồng tiền châu Á suy yếu hơn nữa.
Tuy nhiên, dù các quốc gia này có muốn cùng chung chiến tuyến thì kinh tế học vẫn khiến họ phải chia tách. Suy cho cùng, đồng yen và đồng won mất giá là do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm của Hàn Quốc có lãi suất khoảng 3,5% và của Nhật Bản chỉ 0,3%, trong khi Trái phiếu Kho bạc Mỹ đáo hạn cùng thời điểm mang lại lợi nhuận 5%. Nếu lãi suất ở Mỹ tiếp tục cao hơn rõ rệt, các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận phải đối mặt với một lựa chọn đơn giản, và các quyết định của họ sẽ hỗ trợ đồng đô la.
Có những quốc gia Mỹ ít có khả năng hợp tác hơn. Theo ngân hàng Goldman Sachs, Trung Quốc chứng kiến dòng vốn ngoại hối chảy ra khoảng 39 tỷ USD trong tháng 3, mức cao thứ tư kể từ năm 2016, khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi nền kinh tế đang suy yếu của nước này. Đồng nhân dân tệ mất giá liên tục so với đồng đô la kể từ đầu năm, với mức giảm mạnh hơn từ giữa tháng 3, khi đồng đô la tăng từ 7,18 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD lên 7,25 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Ngân hàng Mỹ (Bank of America) dự báo mức tăng sẽ lên đến 7,45 nhân dân tệ đổi 1 USD vào tháng 9 khi chiến dịch bầu cử ở Mỹ diễn ra. Điều này sẽ khiến đồng nhân dân tệ ở mức yếu nhất kể từ năm 2007, tạo động lực cho nỗ lực xuất khẩu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc. Xe điện Trung Quốc giá rẻ có thể sắp rẻ hơn nữa.
Ngay cả những người theo chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ cũng có thể sẵn sàng bỏ qua xu hướng đồng tiền yếu của các đồng minh, ít nhất là trong một thời gian, song điều này ít có khả năng xảy ra đối với Trung Quốc. Điều này làm tăng nguy cơ Mỹ sẽ áp thêm thuế quan và trừng phạt, thậm chí có thể đưa Trung Quốc trở lại danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ.
Chừng nào kinh tế Mỹ còn tăng trưởng vượt trội thì đồng đô la có khả năng vẫn mạnh. Và chừng nào các chính trị gia Mỹ còn coi đó là nguyên nhân gây lo ngại thì căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục gia tăng.