|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao chưa thể giải ngân hơn 2.800 tỉ vốn bảo trì đường sắt?

09:11 | 03/03/2020
Chia sẻ
Bộ GTVT đã công bố số liệu giao dự toán chi hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách năm 2020 nhưng đến nay số vốn này vẫn chưa thể giải ngân...
Vì sao chưa thể giải ngân hơn 2.800 tỉ vốn bảo trì đường sắt? - Ảnh 1.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt VN triển khai ngay các thủ tục để giải ngân vốn bảo trì đường sắt năm 2020, nhằm đảm bảo hoạt động đường sắt bình hành, an toàn (Trong ảnh: Công nhân đường sắt duy tu, sửa chữa đường sắt khu vực ga Yên Viên)

Vốn đã giao nhưng chưa ký được hợp đồng bảo trì

Không có chuyện dừng tàu vì chưa ký hợp đồng bảo trì
Trả lời Báo Giao thông về nguy cơ dừng tàu, ông Vũ Quang Khôi khẳng định, không có chuyện dừng tàu vì chưa ký được hợp đồng đặt hàng bảo trì.

“Hoạt động của đường sắt quốc gia là việc phải được cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Việc chạy tàu hay không phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cục Đường sắt VN sẽ tích cực phối hợp với TCT Đường sắt VN tìm cách tháo gỡ, không thể vì vướng mà dừng chạy tàu”, ông Khôi nói.

Theo đó, dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao cho hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020 là 3.042 tỷ đồng. Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt VN hơn 2.800 tỷ đồng để chi cho kinh phí nhiệm vụ thường xuyên và không thường xuyên.

Trong đó, số dự toán chi cho kinh phí nhiệm vụ thường xuyên là hơn 2.553,8 tỷ đồng, gồm chi phí bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt, chi phí quản lý dự án hoạt động bảo dưỡng thường xuyên.

Số dự toán chi cho kinh phí nhiệm vụ không thường xuyên là hơn 247,5 tỷ đồng, gồm chi phí sửa chữa định kỳ và đột xuất kết cấu hạ tầng đường sắt, hoạt động kiểm định, các công tác khác và chi khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt do hậu quả bão lụt, sự cố, thiên tai, TNGT đường sắt.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, số vốn bảo trì đường sắt hơn 2.800 tỷ đồng này thực ra đã được Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt VN triển khai từ cuối tháng 12/2019. 

Việc giao vốn bảo trì năm 2020 cho Cục Đường sắt VN là do TCT Đường sắt VN đã chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, không còn trực thuộc Bộ GTVT quản lý nên theo Luật Ngân sách, Bộ không thể giao cho TCT như những năm trước.

“Cục Đường sắt VN sẽ ký hợp đồng đặt hàng bảo trì với TCT Đường sắt VN. Sau đó, TCT Đường sắt VN ký hợp đồng đặt hàng lại một phần hoặc toàn bộ nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng với 20 công ty cổ phần đường sắt và cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt là các DN hiện đang trực tiếp thực hiện bảo trì đường sắt.

Sau khi được Bộ GTVT phê duyệt phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích, Cục Đường sắt VN và TCT Đường sắt VN sẽ ký phụ lục hợp đồng tương ứng với giá, đơn giá được Bộ GTVT phê duyệt”, ông Khôi thông tin về phương án Cục đã trình Bộ GTVT để triển khai việc giải ngân nguồn vốn bảo trì này.

Cũng theo ông Khôi, Cục Đường sắt VN đã nhiều lần làm việc với TCT Đường sắt VN và 20 DN bảo trì nhưng đến nay vẫn chưa thể ký hợp đồng đặt hàng, làm cơ sở triển khai kế hoạch bảo trì. Nguyên nhân do TCT Đường sắt VN cho rằng không đủ cơ sở pháp lý để ký hợp đồng đặt hàng.

Chủ động xây dựng trước phương án giá

Theo TCT Đường sắt VN, từ nguồn vốn bảo trì hàng năm, đơn vị này chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, chiếm đến 90 - 92% tổng nguồn vốn. 8 - 10% nguồn vốn còn lại để giải quyết các công việc như: Sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 và sửa chữa đột xuất, chiếm khoảng 7 - 8,5% nguồn vốn; Khắc phục hậu quả bão lũ, chiếm khoảng 1% nguồn vốn; Tổ chức quản lý dự án, chi phí khác trong công tác bảo dưỡng thường xuyên chiếm khoảng 0,5% nguồn vốn.

Trong số vốn chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, 69% để chi trả lương cho người lao động. Trong đó, lương cho hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn chiếm đến 48%; 52% còn lại là lương cho công nhân duy tu

Liên quan những vướng mắc trên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV TCT Đường sắt VN cho hay, theo quy định, TCT chỉ có chức năng tổ chức quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, nghĩa là chức năng của chủ đầu tư.

“Việc Cục Đường sắt VN ký hợp đồng đặt hàng với TCT Đường sắt VN như phương án Cục Đường sắt đưa ra dẫn đến TCT sẽ trở thành nhà thầu. Khi đó, TCT Đường sắt VN cũng không thể ký tiếp hợp đồng đặt hàng với các công ty bảo trì đường sắt. Lý do, theo quy định về hợp đồng xây dựng, tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện”, ông Minh nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, trước những vướng mắc về cơ chế, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện vốn bảo trì đường sắt, Bộ GTVT đã có văn bản trình Chính phủ báo cáo cụ thể. Ngày 24/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành để tháo gỡ, nhưng hiện chưa có quyết định cụ thể.

“Việc giải ngân vốn bảo trì đường sắt rất cấp bách để hoạt động đường sắt được bình hành, an toàn. Vì thế, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản giao Cục Đường sắt VN khẩn trương triển khai ngay các thủ tục để giải ngân. Trường hợp vướng các quy định pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ”, Thứ trưởng Đông nói.

Ông Vũ Quang Khôi cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN tiếp tục làm việc với TCT Đường sắt VN để chủ động tiến hành trước các thủ tục liên quan như: Xây dựng phương án giá, sản phẩm dịch vụ công ích để khi có ý kiến của cấp thẩm quyền về việc giao vốn, đặt hàng, sẵn sàng trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt. Đồng thời, chủ động xây dựng trước phương án tác nghiệp kỹ thuật quý I/2020 để có thể triển khai ngay sau khi Bộ GTVT có quyết định phê duyệt phương án giá.

“Cục Đường sắt VN đã kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp về tài chính đối với các đơn vị đã chi kinh phí để mua vật tư, vật liệu sửa chữa các điểm xung yếu và trả lương cho CBCNV nhằm đảm bảo ATGT đường sắt trong khi hợp đồng đặt hàng chưa được ký”, ông Khôi nói.

Kỳ Nam