|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao BSC sẽ giải chấp lượng cổ phiếu Novaland kỷ lục?

20:47 | 03/11/2023
Chia sẻ
Chứng khoán BIDV (BSC) sẽ bán giải chấp gần 42 triệu cổ phiếu NVL của Novaland, ghi nhận lượng bán lớn nhất từ một tổ chức cùng thời điểm.

Hơn một năm trở lại đây, câu chuyện các tổ chức bán giải chấp cổ phiếu được cầm cố bởi vợ chồng ông chủ Novaland – Bùi Thành Nhơn và hai cổ đông lớn là NovaGroup và Diamond Properties không còn hiếm. Nhóm cổ đông này liên tiếp bị giải chấp hàng chục triệu đơn vị cuối năm 2022 sau chuỗi giảm sàn lịch sử 17 phiên liên tiếp và mất 70% thị giá.

Đỉnh điểm ngày 30/11/2022, công ty chứng khoán giải chấp 40 triệu cổ phiếu NVL do NovaGroup nắm giữ. Lệnh bán giải chấp kéo dài sang năm 2023. Song, số lượng thông báo có xu hướng giảm cùng với khối lượng cổ phiếu bán ra thu hẹp, có đợt chỉ vài chục nghìn đơn vị. Tần suất thưa dần khi cổ phiếu NVL có nhịp tăng từ 14.000 đồng/cp lên 22.000 đồng/cp trong quý III.

Tuy nhiên, thông báo mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) được chú ý bởi đây là đợt bán có khối lượng lớn nhất từ một tổ chức. Vậy, tại sao BSC lại hành động như vậy?

Có thể khẳng định rằng đây không phải lệnh bán giải chấp từ khối quản trị rủi ro khi mã NVL không nằm trong danh mục chứng khoán được giao dịch ký quỹ của công ty. Cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản hàng đầu khu vực phía Nam bị cắt margin do rơi vào diện cảnh báo và lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trên báo cáo soát xét bán niên 6 tháng 2023.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông 2023, lãnh đạo của của BSC cho biết công ty không cho vay deal (tạm hiểu là vay lô lớn, cầm cố) cộng với việc NVL không nằm trong danh mục AFS, loại trừ khả năng giải chấp cổ phần cầm cố.

Khi quyết định không còn xuất phát từ chính BSC, một chi tiết lại hé mở trên báo cáo tài chính của Novaland.

Tại ngày 30/9, Novaland đang có lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do Chứng khoán BIDV làm đại lý phát hành. Tài sản đảm bảo là cổ phần của các cổ đông. Lô trái phiếu này sẽ được đáo hạn vào tháng 9/2023. Novaland cho biết đang đàm phán với trái chủ để thay đổi kỳ hạn cùng với nhiều lô trái phiếu khác do công ty phát hành.

Tại đại hội, đại diện BSC trả lời cổ đông rằng, công ty không đầu tư trái phiếu, chỉ làm dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý và quản lý tài sản đảm bảo. Như vậy, lệnh bán giải chấp của BSC bản chất là thực hiện phương án xử lý tài sản đảm bảo theo hợp đồng quản lý, hợp đồng cầm cố.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng Novaland và các trái chủ của lô trái phiếu nghìn tỷ trên đã không tìm được tiếng nói chung để đi đến quyết định gia hạn. Kết quả là bên nắm giữ trái phiếu của Novaland đã chỉ định cho Chứng khoán BIDV bán tài sản đảm bảo là cổ phiếu NVL thuộc quyền sở hữu của hai cổ đông lớn NovaGroup và Diamond Properties.

Một đối tác quen thuộc của nhiều tổ chức phát hành trên thị trường là Chứng khoán Dầu khí (PSI) từng quyết định tương tự với Novaland cách đây ít tháng. Cuối tháng 5, PSI ra thông báo giải chấp gần 21 triệu cổ phiếu NVL thuộc sở hữu của Diamond Properties.

Khi chấp nhận chỉ định cho đơn vị quản lý tài sản ở đây là Chứng khoán BIDV đặt lệnh bán, mỗi nhà đầu tư sẽ thu được số tiền dựa theo nguyên tắc phân bổ đều được công ty chứng khoán xác định, trong trường hợp có nhiều người nắm giữ.

Hiện lô cổ phiếu NVL được BSC thông báo bán giải chấp có giá thị trường khoảng 600 tỷ đồng, tạm tính theo giá kết phiên 3/11 (14.450 đồng/cp), thấp hơn giá trị lô trái phiếu - 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, về nguyên tắc, điều này có khả năng không ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn của trái chủ.

Trước tiên, những trái chủ sẽ được nhận được toàn bộ số tiền từ bán cổ phiếu NVL sau khi trừ đi khoản thuế, phí giao dịch theo nguyên tắc phân bổ tỷ lệ như vừa đề cập.

Ngoài ra, các điều khoản phát hành cũng thường quy định nếu việc tài sản đảo bảo không đủ số tiền để đáp ứng nghĩa vụ nợ, tổ chức phát hành vẫn chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ các nghĩa vụ nợ còn lại cho người sở hữu trái phiếu. Trên thực tế, Chứng khoán PSI từng thông tin nhiều lần trong thông báo gửi đến trái chủ Novaland trước đó.

Hoàng Linh