Vì sao bóng đá ngày càng trở thành khoản đầu tư hấp dẫn các tỷ phú?
Thời gian gần đây, câu chuyện về những lời đề nghị mua lại câu lạc bộ giàu truyền thống bậc nhất nước Anh, Manchester United, từ các ông chủ giàu có trên khắp thế giới là chủ đề được rất nhiều người quan tâm.
Sau thời hạn để nộp hồ sơ các gói thầu, đã có hai lời đề nghị chính thức được gửi đến đội bóng chủ sân Old Trafford. Đặc biệt, các nhà đầu tư Qatar đang sẵn sàng mở đưa ra một đề nghị trị giá khoảng 5 tỷ bảng Anh (6 tỷ USD) cho câu lạc bộ bóng đá Manchester United, tờ Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
Bên cạnh đó, tỷ phú giàu nhất nước Anh, Sir Jim Ratcliffe cũng là cái tên khác quan tâm tới việc thâu tóm đội bóng chủ sân Old Trafford, và cũng đã gửi hồ sơ chính thức. Ngoài hai cái tên kể trên, một số nguồn tin trước đó còn cho rằng ngay cả người giàu thứ hai thế giới hiện tại, CEO Tesla Elon Musk cũng quan tâm tới việc mua lại Manchester United, dù vị CEO này từng lên tiếng phủ nhận và cho biết đó chỉ là một câu nói đùa.
Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của đội bóng chủ sân Old Trafford nói chung và của bóng đá nói riêng trong mắt các tỷ phú hàng đầu thế giới.
Những điểm hấp dẫn của khoản đầu tư vào bóng đá
Bóng đá đang ngày càng phát triển. Mặc dù môn thể thao này đã tồn tại hàng thế kỷ, nhưng nó chỉ mới bắt đầu tạo ra sức hấp dẫn trong mắt các tỷ phú và giới đầu tư trong khoảng chục năm trở lại đây.
Có rất nhiều lý do biến bóng đá thành một khoản đầu tư sinh lời. Đầu tiên, môn thể thao này phổ biến bậc nhất thế giới, được mệnh danh là “môn thể thao vua”. Điều này có nghĩa là bóng đá có thể tiếp cận tới mọi ngõ ngách trên thế giới, tạo ra một thị trường rộng lớn mà khó có môn thể thao nào khác có thể bắt kịp.
Sự phổ biến của bóng đá đã dẫn đến sự phát triển của các giải đấu và cuộc thi khác nhau, cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều lựa chọn. Chẳng hạn, các cổ đông có thể chọn tài trợ cho một đội, giải đấu cụ thể hoặc thậm chí là hiệp hội của một quốc gia.
Liên tục phát triển và thay đổi cũng là một điểm cộng cho bộ môn thể thao này. Điều đó mang ý nghĩa rằng bóng đá luôn có cơ hội cho các nhà đầu tư mới tham gia.
Ví dụ, việc giới thiệu các công nghệ đổi mới và phát triển các chiến lược tiếp thị có thể tạo ra những con đường mới cho đầu tư mạo hiểm. Khác với những môn thể thao khác, bóng đá không yêu cầu những khoản phí trả trước khổng lồ, qua đó có thể thu hút nhiều người mới tham gia, dẫn đến việc tăng lợi nhuận.
Theo Market Business News, bóng đá cũng là một lựa chọn an toàn. Trái với các môn thể thao khác, có lúc thịnh lúc suy, các nhà đầu tư có thể tự tin rằng nguồn tiền sẽ được giữ ổn định khi đầu tư vào bóng đá, bộ môn luôn thu hút được người xem và người chơi ở mọi lứa tuổi, giới tính, vùng miền,… theo năm tháng.
Có rất nhiều khoản đầu tư vào bóng đá cũng như nhiều cơ hội cho sự tăng trưởng và đạt lợi nhuận. Quan trọng nhất, môn thể thao này tạo ra doanh thu cho thấy rằng các nhà đầu tư có tiềm năng kiếm được lợi tức đáng kể từ khoản đầu tư của họ.
Theo Market Business News, bóng đá cũng là một khoản đầu tư như một hàng rào chống lại suy thoái kinh tế. Bóng đá đem đến một số lợi ích về thuế. Ở một số quốc gia, các câu lạc bộ và hiệp hội được miễn nộp thuế đối với thu nhập của họ.
Tất cả những yếu tố này làm cho bóng đá trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư. Thực tế, có không ít nhà đầu tư có thể kiếm bộn tiền từ các khoản đầu tư vào môn thể thao vua này, điển hình nhất có thể kể tới chính là giới chủ nhà Glazer của câu lạc bộ Manchester United, những người đã mua lại đội bóng chủ sân Old Trafford với giá gần 800 triệu bảng Anh vào năm 2005, và có thể thu về hàng tỷ bảng nếu bán câu lạc bộ này ở thời điểm hiện tại.
Quy mô thị trường
Theo nghiên cứu của Impactful Insights (IMARC), quy mô của thị trường bóng đá toàn cầu đạt mức 3,2 tỷ USD vào năm 2022. Trong tương lai, IMARC dự đoán thị trường bóng đá toàn cầu sẽ đạt mức 4 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2023 – 2028 là 4%.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Wealthface Blog, giá trị của thị trường bóng đá toàn cầu có thể đạt mức 3,87 tỷ USD vào năm 2027. Việc bóng đá là môn thể thao số một thế giới khiến tính thương mại hóa của môn này cũng tăng theo, qua đó làm nó trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Với sự phổ biến của môn thể thao này và giá trị ngày càng tăng của bóng đá, các nhà đầu tư tình cờ trở thành “người hâm mộ” môn thể thao này, qua đó bị thu hút nhiều hơn bởi cổ phiếu của các câu lạc bộ bóng đá.
Những ông chủ giàu có và những đội bóng giá trị giá nhất
Có không ít tỷ phú hoặc những đại gia hàng đầu thế giới đang sở hữu các câu lạc bộ bóng đá, bao gồm cả những đội bóng mạnh nhất thế giới. Theo Metro, danh hiệu chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá giàu nhất thế giới hiện nay thuộc về Saudi Arabia Public Investment Fund, những người đã mua 80% cổ phần của câu lạc bộ Newscatsle United với giá gần 300 triệu bảng vào tháng 10/2021.
Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đứng đầu Saudi Arabia Public Investment Fund, theo Sovereign Wealth Fund, có khối tài sản ước tính khoảng 360 tỷ bảng Anh, khiến quỹ này trở thành một trong những quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất thế giới.
Đứng ở các vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng có thể kể tới như ông chủ câu lạc bộ Manchester City Sheikh Mansour, người sở hữu khối tài sản ròng ước tính trị giá 16,8 tỷ bảng hay Dietrich Mateschitz, chủ sở hữu của các đội bóng như Red Bull Salzburg, RB Leipzig, NY Red Bulls, đang sở hữu khối tài sản ròng ước tính khoảng 16,4 tỷ bảng.
Trong khi đó, theo tạp chí Forbes, tính đến năm 2022, Real Madrid là câu lạc bộ bóng đá có giá trị nhất thế giới (5,1 tỷ USD). Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Barcelona (5 tỷ USD), Manchester United (4,6 tỷ USD), Liverpool (4,45 tỷ USD) và Bayern Munich (4,275 tỷ USD).