Vì sao Ấn Độ lên kế hoạch bơm 32 tỷ USD vào ngành ngân hàng?
Kế hoạch này không chỉ mang lại niềm vui cho những nhà đầu tư đang lo lắng về các bảng cân đối kế toán đang trở nên xấu hơn của các ngân hàng Ấn Độ, mà cũng có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến triển vọng kinh tế của đất nước đông dân thứ hai này.
Thông báo trên đã được chờ đợi từ lâu. “Núi nợ xấu” ngày càng phình ra của Ấn Độ đã tạo ra những bảng cân đối kế toán yếu kém, bóp méo khả năng cho vay của những tổ chức tài chính và gây cản trở đối với tốc độ tăng trưởng của quốc gia này. Điều này cũng làm giảm khả năng những người đi vay có thể trả hết nợ, qua đó tạo ra một vòng lẩn quẩn trong hoạt động vay nợ.
Trước đó, giới phân tích đã ước tính rằng các ngân hàng Ấn Độ cần thêm từ 40-65 tỷ USD để “làm sạch” bảng cân đối kế toán của họ và nhằm đáp ứng được những đòi hỏi về vốn khắt khe hơn theo tiêu chuẩn quốc tế Basel lll.
Tuy nhiên, một đợt bơm vốn mạnh từ Chính phủ có thể là “yếu tố đóng vai trò then chốt” trong việc phá vỡ vòng lẩn quẩn đó, Goldman Sachs lên tiếng.
Trước đó, nhiều người đã kêu gọi New Delhi cung cấp nhiều hơn thay vì chỉ là một cuộc giải cứu dành cho ngành ngân hàng Ấn Độ. Cuối cùng, Chính phủ Ấn Độ dường như đã sẵn sàng giải quyết tình hình.
Kế hoạch là gì?
Suốt hai năm tới, New Delhi dự định sẽ bơm 2.11 ngàn tỷ Rupee (khoảng 32 tỷ USD) vào các ngân hàng quốc doanh nhằm làm tăng dòng tiền, nới lỏng các điều kiện tín dụng, đồng thời thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng.
Chính phủ Ấn Độ dự định cung cấp 1.35 ngàn tỷ Rupee (tương đương với 20.7 tỷ USD) bằng cách phát hành trái phiếu. 760 tỷ Rupee khác (khoảng 11.7 tỷ USD) có thể đến từ ngân sách Chính phủ hoặc những nỗ lực tự gây quỹ của các ngân hàng.
Nhìn chung, tổng lượng vốn dành cho kế hoạch này tương đương khoảng 1.3% GDP của Ấn Độ – và số tiền rất lớn này có thể khuyến khích hoạt động kinh tế một cách đáng kể. Cụ thể hơn, Goldman Sachs ước tính, chỉ trong vòng một năm sau khi tiến hành kế hoạch, sự trì trệ trong tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng được kỳ vọng sẽ giảm đến 10 điểm phần trăm, trong khi tăng trưởng GDP có thể tăng đến 5 điểm phần trăm.
Đồng Rupee của Ấn Độ có thể tăng trở lại vào năm tới nhờ các tác động của việc tái cấp vốn, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs và ngân hàng ING dự báo.
Rủi ro và những tác động khác
Dù có những lợi ích được lường trước dành cho giới đầu tư và nền kinh tế nói chung, nhưng động thái này cũng hàm chứa rủi ro.
Đầu tiên, việc thanh toán lãi dành cho trái phiếu sẽ làm cho ngân sách mất đi một khoản đáng kể, qua đó có thể gia tăng chi tiêu Chính phủ và khiến họ rơi vào trạng thái thâm hụt tài khóa, theo Radhika Rao, Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng DBS.
Ấn Độ hiện đối mặt với một tình trạng tài khóa đầy thử thách khi chỉ trong 5 tháng đầu năm tài khóa mới nhất, Chính phủ đã chi tiêu tới 96% mục tiêu thâm hụt của cả năm. Điều này làm hạn chế khả năng chi tiêu và thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ.
Trong giai đoạn 4-6/2017, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã suy yếu và chỉ đạt 5.7%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Nhiều người cho rằng việc Ấn Độ suy giảm tăng trường là do việc ban hành hệ thống thuế dịch vụ và hàng hóa (GST) và lệnh cấm các tờ tiền mệnh giá lớn gây ra.
Theo Goldman Sachs, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cũng có thể tăng lãi suất sớm hơn mong đợi. Đó sẽ thông tin tiêu cực đối với lãi suất ngắn hạn, và tác động lên lãi suất trong dài hạn hơn vẫn không chắc chắn, Goldman Sachs cho biết thêm.
Ngoài ra, động thái này có thể tạo ra rủi ro là nhiều khoản nợ hơn của ngân hàng quốc doanh sẽ trở nên xấu đi. Kết quả là khiến cho tỷ lệ nợ xấu của nước này tiếp tục phình lên, ngân hàng ING lưu ý.