|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vị ngọt ngào sau chiến dịch truyền thông ‘đi cà phê 4h sáng’ của Phê La

16:12 | 03/10/2024
Chia sẻ
Tạo xu hướng độc lạ giúp chuỗi trà sữa Phê La tăng nhanh độ phủ thương hiệu.

Theo báo cáo Brand Audit on Social media của Phê La, trong ba tháng từ tháng 6 đến tháng 8, trend 4 giờ sáng đi cà phê ngắm phố phường bình yên đã giúp Phê La trở thành thương hiệu chuỗi trà sữa được nhắc tới nhiều nhất trên mạng xã hội.

Bên trong một cửa hàng Phê La. (Ảnh: Phê La/Facebook).

Trong thời gian này, thị trường cạnh tranh chuỗi trà sữa tầm trung (khoảng 40.000 đồng/ly) trở nên nhộn nhịp hơn. 4 thương hiệu gồm Phê La, Gong Cha, LaSiMi và Bobapop có gần 70.000 lượt thảo luận trên các nền tảng số, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Trong đó, Phê La tăng hơn 70% lượng thảo luận, tiếp tới là Gong Cha tăng 30% trong khi Lasimi và Bobapop ghi nhận giảm hơn 15%.

Theo chuyên gia tại YouNet Media - nền tảng phân tích dữ liệu mạng xã hội và thương mại điện tử, trào lưu cà phê lúc 4 giờ sáng cùng với truyền thông sáng tạo đã giúp Phê La tăng độ nhận diện thương hiệu trên các nền tảng.

Lượng người dùng nhắc về Phê La tăng qua các tháng, cao điểm nhất là tháng 6 và tháng 8 với lần lượt 12.500 và 11.900 cuộc thảo luận. Trong đó, tháng 6 xuất hiện trào lưu đi cà phê lúc sáng sớm nhân dịp ra mắt chi nhánh Tông Đản (Hà Nội). 

Chỉ trong 9 ngày mở cửa từ 4 giờ sáng, hoạt động đã thu hút hơn 4.000 lượt thảo luận, chiếm hơn 30% tổng số lượng thảo luận về Phê La trong ba tháng. Các video Tiktok, các bài viết trên trang cá nhân chia sẻ không gian trò chuyện, cà phê hàn huyên cùng bạn bè, yên tĩnh ngắm Hà Nội tờ mờ sáng nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ rủ nhau “bắt trend”. 

Hình ảnh hàng dài người xếp hàng từ sáng sớm đã trở thành chủ đề nóng thảo luận trên các nền tảng nhiều ngày sau đó.

“Không thể phủ nhận Phê La đã tạo ra một phương cách thưởng thức cafe cũ mà không chán cực kì thú vị, vừa tạo được sức nóng truyền thông và cả lượng đơn hàng thực tế tại điểm bán”, chuyên gia tại YouNet Media phân tích.

Chuỗi Phê La do CTCP Phê La vận hành, với 33 cửa hàng tập trung chủ yếu tại những vị trí đắc địa ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. 

Chủ tịch CTCP Phê La là bà Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ CEO công ty Chứng khoán Vietcap. Trên thị trường chuỗi đồ uống, bà Thiên Kim đồng thời là Chủ tịch CTCP Café Katinat - đơn vị vận hành hệ thống Katinat Saigon Kafe. Cả hai chuỗi này đều thuộc hệ sinh thái ẩm thực F&B của CTCPT D1 Concepts.

Báo cáo từ Vietdata đánh giá năm 2023, thị trường trà sữa Việt chứng kiến đua cạnh tranh nảy lửa giữa các thương hiệu. Trong đó, Phê La là cái tên tiên phong trong trào lưu trà sữa đậm vị, nổi lên như một “làn gió mới”.

Phê La nổi bật với việc sử dụng nguyên liệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là trà Ô Long đặc sản từ Đà Lạt. Menu của Phê La khá đa dạng với sản phẩm được sử dụng nhiều phương pháp pha chế độc lạ nên mức giá cũng khá cao rơi vào khoảng 40.000 - 60.000 đồng/ly. 

Trong năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt cả chục tỷ đồng. Nhà phân tích tại Vietdata đánh giá đây là những tín hiệu khởi đầu tích cực, cho thấy Phê La có tiềm năng lớn để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu chung từ Momentum Works và qlub, quy mô của thị trường trà sữa đạt mức 362 triệu USD trong năm 2021, chỉ đứng sau Thái Lan (749 triệu USD) và Indonesia (1,6 tỷ USD).

Mức giá của trà sữa dao động trung bình trong khoảng 30.000 đồng – 70.000 đồng, tùy kích cỡ, topping,… và trà sữa là loại đồ uống có tần suất sử dụng ở mức cao, đặc biệt được yêu thích bởi giới trẻ.

Theo khảo sát từ Unica, trên địa bàn TP Hà Nội, có tới 50% người được hỏi cho biết họ mua ít nhất một cốc trà sữa mỗi tuần đơn giản vì loại đồ uống này ngon, hợp khẩu vị, nhanh gọn và thuận tiện cho việc mang đi.

Đức Huy