|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vị CEO thất bại ở Mỹ, về Nhật Bản giúp giá cổ phiếu startup tăng 4.800%

16:22 | 06/07/2021
Chia sẻ
Giá cổ phiếu Rakus tăng phi mã giúp nhà sáng lập Takanori Nakamura trở thành tỷ phú với tài sản 1,9 tỷ USD.
Vị CEO thất bại ở Mỹ, về nước giúp giá cổ phiếu startup tăng 4.800% - Ảnh 1.

Ông Takanori Nakamura, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO Rakus. (Ảnh: Bloomberg).

Sau khi công ty phần mềm marketing điện thoại của mình thất bại, ông Nakanori Nakamura rút khỏi Thung lũng Silicon vào năm 2015. Ông quyết định dồn toàn bộ sức tập trung vào quê hương Nhật Bản.

Công sức của ông Nakamura đã được đền đáp. Giá cổ phiếu công ty phần mềm đám mây Rakus của ông đã tăng hơn 4.800% kể từ khi IPO tại Tokyo năm 2015. Rakus là một trong những mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Ông Nakamura sở hữu 34% cổ phần Rakus, giữ chức vụ Chủ tịch và CEO của công ty. Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, tài sản ròng hiện nay của ông là 1,9 tỷ USD. Rakus là ví dụ mới nhất về startup Nhật Bản tạo ra tiền tài khổng lồ cho người sáng lập sau khi lên sàn.

Ông Nakamura, 48 tuổi, bình luận về thành công mới mẻ: "Tôi không có cảm giác đó là sự thực. Tôi đã luôn muốn có thể đi ăn tiệm mà không phải lo về giá. Tôi thấy rất may mắn vì thành công được như hiện nay".

Từ khi còn nhỏ, ông Nakamura đã yêu thích những câu chuyện từ nghèo khó đi lên làm giàu. Lên cấp ba, ông quyết định sẽ trở thành doanh nhân.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kobe, ông Nakamura gia nhập công ty viễn thông khổng lồ Nippon Telegraph & Telephone vào năm 1996, nhưng nghỉ việc sau khoảng một năm.

Ông thành lập công ty tiền thân của Rakus vào năm 2000 như một doanh nghiệp dạy các kỹ sư sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở Linux. Dần dần công ty mở rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm dịch vụ email và hệ thống giúp tự động hóa quy trình xử lý dữ liệu. 

Năm 2009, công ty ra mắt hoạt động kinh doanh chính hiện nay là phần mềm Raku Raku Seisan. Chức năng của phần mềm là cho phép người sử dụng tạo báo cáo chi phí trực tuyến. Sau đó, công ty đã phát triển thêm phiên bản di động.

Ban đầu phần mềm không thu hút được sự chú ý. Trong khi đó, ông Nakamura lại đặt mục tiêu thành công ở Thung lũng Silicon. Ông phát triển phần mềm giúp doanh nghiệp biết chiến dịch marketing của họ thành công đến đâu trên mạng xã hội, liệu họ nên tiếp tục chạy quảng cáo hay ngừng.

Ông Nakamura hồi tưởng: "Tôi nghĩ chúng tôi cần có khởi đầu tại thị trường nước ngoài vì dân số Nhật Bản đang suy giảm".

Nhưng việc kinh doanh thất bại. Công ty của ông không thể cạnh tranh với các startup Mỹ có lượng vốn khổng lồ.

"Tôi nhận ra rằng với những nguồn lực có trong tay, chúng tôi có cơ hội giành chiến thắng tốt hơn nếu dốc toàn lực vào thị trường quê nhà", ông giải thích.

Tháng 12/2015, ông đưa Rakus lên sàn tại Tokyo.

Vị CEO thất bại ở Mỹ, về nước giúp giá cổ phiếu startup tăng 4.800% - Ảnh 2.

Trong bối cảnh smartphone trở nên được ưa chuộng hơn tại Nhật Bản, Raku Raku Seisan bắt đầu nổi tiếng. Ngày nay, dịch vụ này có hơn 8.000 khách hàng doanh nghiệp, Rakus cho biết.

Tháng 3/2021, nhà phân tích Takashi Miyazaki của Goldman Sachs nâng xếp hạng về cổ phiếu Rakus từ trung tính lên khuyến nghị mua. "Rakus có nhóm khách hàng mục tiêu rõ ràng đối với mọi sản phẩm. Chiến lược này hoạt động cực kỳ tốt", ông Miyazaki nói với Bloomberg.

Rakus ước tính có khoảng 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản có thể sử dụng phần mềm của công ty. Mục tiêu ban đầu là ký được hợp đồng với 20.000 doanh nghiệp, ông Nakamura cho biết.

Tháng trước, nhà phân tích Hiroko Sato của Jefferies viết rằng Rakus sẽ được hưởng lợi từ việc nhân viên làm việc ở nhà cần nộp báo cáp chi phí trực tuyến.

Theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp, Rakus hiện đang được định giá gấp 448 lần thu nhập ước tính. Công ty báo cáo lợi nhuận hoạt động kinh doanh năm tài chính 2020 đạt 3,9 tỷ yen (35,2 triệu USD), lớn hơn gấp ba lần lợi nhuận năm trước đó.

Cả hai nhà phân tích của Goldman Sachs và Jefferies đều dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của Rakus sẽ giảm tốc trong năm nay khi công ty chi đậm cho marketing để giành thị phần.

Ông Nakamura giải thích: "Nếu bạn không bỏ tiền cho marketing và các chi phí liên quan, bạn không thể bán sản phẩm. Số tiền bạn chi quyết định miếng bánh bạn được ăn lớn cỡ nào".

Ông Nakamura khẳng định trở thành tỷ phú không làm thay đổi lối sống của ông và nói thêm: "Bữa trưa hôm nay tôi ăn món cơm cà ri bò tại Matsuya". Matsuya là chuỗi cửa hàng ăn nhanh ở Nhật Bản, nơi mỗi bữa ăn có thể tốn chưa đến 10 USD.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.