|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VEPR: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% năm 2019 do Quốc hội đề ra là khả thi

23:58 | 11/04/2019
Chia sẻ
VEPR cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì ở mức khá trong quí I/2019 và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2019 ở mức 6,6 - 6,8% do Quốc hội đề ra là khả thi.
VEPR: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% năm 2019 do Quốc hội đề ra là khả thi - Ảnh 1.

Các chuyên gia tại hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quí I/2019 (Ảnh: QH)

Theo viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) với mức tăng trưởng vẫn đạt mức khá cao (6,79%) trong quí I/2019, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. 

Mặc dù tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá nhưng theo VEPR, trước một số yếu tố bất ổn của tình hình kinh tế thế giới thì tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bới các cú sốc từ thị trường thế giới.

Mặt khác, tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại. Đáng lưu ý là sự sụt giảm mạnh của chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua vào tháng 2/2019 do sự sụt giảm về lượng việc làm và hàng tồn kho khiến mức độ lạc quan của nhà sản xuất cũng giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI và xuất khẩu của khu vực này. Trong khi cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục dậm chân tại chỗ.

Trên cơ sở đó, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm trong quí II/2019 sẽ ở mức 6,62% và 6,8% cho cả năm 2019.

Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, trong quí I/2019, có 43,5 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 14,8 nghìn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (tăng 20,8% so với cùng kì; 15,3 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể và 4,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 23,9% so với cùng kì). Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu và môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện.

Theo đánh giá của TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, kinh tế Việt Nam đan xen giữa mảng tối và mảng sáng, số doanh nghiệp thành lập cũng nhiều mà số doanh nghiệp giải thể cũng lớn.

Trong quý I vừa qua việc rà soát lại con số thống kê những doanh nghiệp giải thể khiến con số này tăng đột biến, nhưng thực tế không lớn như thế bởi lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ giải thể vốn đã nhiều rồi, TS. Thế Anh cho hay

Về vấn đề lạm phát, Viện nghiên cứu chính sách nhận định lạm phát quí I/2019 mặc dù ở mức vừa phải nhưng có xu hướng tăng trước những điều chỉnh giá điện và xăng dầu gần đây. Tác động của các cú sốc này tới giá cả trong nước có thể kéo dài tới nhiều tháng tiếp theo nên đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ phía NHNN đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, VEPR dự báo tỉ lệ lạm phát trong quí II/2019 là khoảng 2,78% và trong quí IV/2019 vào khoảng 4,2%.

Nhận định về diễn biến tỷ giá, theo VEPR thanh khoản hệ thống tiền tệ trước Tết có phần eo hẹp do nhu cầu thanh toán tăng cao. Lãi suất liên ngân hàng vì thế tăng rất mạnh, trước khi giảm dần sau Tết Nguyên đán nhưng vẫn đang ở mức cao hơn so với cùng kì năm trước.

Trong thời gian tới, VEPR cho rằng sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất.

Do vậy, cơ quan này khuyến nghị chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài. Lãi suất nên được giữ mức ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn, đặc biệt đối với các ngành đang trên đà tăng tưởng và tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, việc hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng cũng cần được tiếp tục tiến hành.

Quốc Thụy