Vé máy bay nội địa đắt hơn đi nước ngoài, du lịch Việt Nam giảm sức hút?
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới, gia đình chị Nguyễn Hải Yến tại Hà Nội có kế hoạch đi du lịch ở Phú Quốc. Tuy nhiên, khi tham khảo giá vé của nhiều hãng hàng không khác nhau, chị Yến không khỏi lăn tăn. Bởi, dù bay vào buổi đêm, giá vé thấp nhất là 5 triệu đồng/người, tức là sẽ phải chi khoảng 20 triệu đồng tiền vé máy bay cho gia đình 4 người, chưa kể tiền ăn ở, vui chơi, mua sắm.
“Chúng tôi đang tính lại địa điểm đi du lịch khác như Quảng Ninh, Thanh Hóa có thể di chuyển bằng ô tô để tiết kiệm chi phí vận chuyển”, chị Yến chia sẻ.
Tương tự, anh Trường tại TP HCM đã hoãn chuyến đi chơi ở Hà Nội do giá vé máy bay tăng cao khiến chi phí đi chơi của gia đình tăng ngoài dự kiến. “Chúng tôi không đi Hà Nội nữa, thay vào đó sẽ tự lái ô tô vào Vũng Tàu đi chơi kết hợp thăm người thân để tiết kiệm”, anh Trường chia sẻ.
Không chỉ chọn các điểm đến gần để tiết kiệm chi phí di chuyển, nhiều hành khách còn chọn các tour nước ngoài vì giá ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn trong nước.
Chị Lan Phương cho biết vừa mua vé Hà Nội - BangKok, Thái Lan với giá khoảng 3,8 triệu đồng/vé khứ hồi, rẻ hơn cả vé Hà Nội - Phú Quốc hay Hà Nội - Nha Trang. Tương tự, nhiều hành khách cũng chi 7-8 triệu đồng để đi tour Trung Quốc hay đảo Bali, Indonesia.
Số tiền này chỉ ngang với chi phí đi tour trong nước nhưng được ra người ngoài nên hấp dẫn hơn hẳn, chị T. Thanh, một nhân viên văn phòng chia sẻ.
Giá vé máy bay tăng cao khiến khách du lịch Việt Nam có xu hướng đi sang các quốc gia lân cận như: Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia. Điều này khiến du lịch nội địa giảm sút đáng kể.
"Chúng tôi nhìn thấy có sự dịch chuyển nguồn khách từ Việt Nam ra nước ngoài. Ví dụ đi Thái Lan lúc này chỉ mất 8 triệu đồng, nhưng với giá này thì không thể làm chương trình đi Nha Trang hay Phú Quốc được”, ông Phạm Duy Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel) nói với chúng tôi.
Theo ông, trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, người dân cũng “chắt bóp” hơn việc trong việc chi tiêu sinh hoạt. Vì vậy, giá vé máy bay tăng cao đã và đang vượt quá khả năng chi trả của họ, nên thay vì du lịch bằng đi máy bay thì họ đã chuyển sang đi phương tiện khác, thậm chí là không đi nữa.
“Từ Tết Nguyên đán đến giờ giá vé đang tăng đột biến, và đến nay, chúng tôi không thể bán tour với giá vé quá cao như vậy, do quá khả năng chi trả”, ông Nghĩa quan ngại. Ngoài ra, một bộ phận khách có xu hướng chuyển sang chọn tour nước ngoài, vì giá vé máy bay đi nước ngoài cạnh tranh hơn.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp Thị Truyền thông, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nhấn mạnh việc tăng giá trần vé máy bay từ 1/3 cũng khách du lịch nội địa bị ảnh hưởng bởi thời điểm này nếu đặt giá vé máy bay cho dịp cao điểm thì chắc chắn sẽ bị tăng rất cao”, bà Trà nêu rõ.
Xét về lâu dài, giá vé máy bay cao còn ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2024. Bởi, theo tính toán giá vé máy bay sẽ chiếm khoảng 30% - 40% trong cơ cấu giá tour trọn gói. Khi giá vé máy bay tăng, các công ty lữ hành đang phải cân đối lại các chi phí trong tour để đưa ra mức giá tốt nhất.
“Nếu giá máy bay không điều chỉnh thì chắc chắn giá tour trong nước sẽ tăng từ 10 - 15%”, bà Trà thông tin.
Không chỉ ảnh hưởng đến người Việt Nam đi du lịch trong nước, vé máy bay tăng cũng khiến cho việc hút khách vào Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Bởi, khách nước ngoài vào Việt Nam khá dài ngày và thường đi nhiều nơi tại Việt Nam, nên giá vé máy bay tăng cũng khiến chi phí du lịch đội lên rất nhiều. Điều này làm giảm sự sức hút của du lịch Việt Nam so với các quốc gia khác.
Cần có phương án bình ổn giá vé máy bay
Về giải pháp, ông Nghĩa cho biết, doanh nghiệp đang phải cân đối lại các khoản trong tour để đưa ra phương án tốt nhất, cũng như thêm nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách với thị trường trong nước như sẽ tập trung vào việc đa dạng dịch vụ nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt; đồng thời liên tục làm mới, đa dạng tour, thiết kế combo di chuyển đường bộ kết hợp các phân khúc phòng giá rẻ để tiết kiệm chi phí cho khách.
“Trước đây, chúng tôi phát triển các thị trường quốc tế xa như Australia, Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ, Anh… thì nay, chúng tôi hướng tới thị trường gần như Trung Quốc với nhiều chuyến bay, nhiều điểm đến mới lại với giá cả phải chăng nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của khách”, ông Nghĩa chia sẻ.
Còn theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, bên cạnh việc tính toán cân đối điều chỉnh giá tour nội địa, bà Trà cho biết, hiện nay đơn vị lữ hành cũng buộc phải thay đổi chương trình tour, cũng như kết hợp nhiều loại hình phương tiện vận chuyển như đường bộ, đường sắt thay thế máy bay.
“Hi vọng thời gian tới, ngành hàng không sẽ có những điều chỉnh về giá vé nhằm chia sẻ với các doanh nghiệp lữ hành và người dân. Khi giá vé hợp lý thì người dân sẽ đi du lịch nhiều hơn, đồng nghĩa các doanh nghiệp doanh thu cao, từ đó sẽ có thêm nhiều sẽ kích cầu cho du khách.”, bà Trà kỳ vọng.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch TAB, hàng không và du lịch là hai ngành có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành. Do vậy, việc tăng giá vé máy bay chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến đông đảo du khách.
Tuy vậy, thời gian qua, các hãng hàng không rất khó khăn, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 trong gần 3 năm nên việc tăng giá vé cũng là một giải pháp cho ngành. Vì vậy, không thể yêu cầu để các hãng hàng không phải hạ vé máy bay vì họ cũng kinh doanh và cần phải có lãi. Do đó, ngoài sự nỗ lực của ngành hàng không trong việc giảm giá vé máy bay thì Chính phủ nên có phương án điều tiết, bình ổn giá vé máy bay.
Nhìn từ kinh nghiệm của Thái Lan, theo ông Chính, để thúc kích cầu du lịch nội địa, Chính phủ đã có chính sách trợ cấp cho cả hàng không với một số lượng hai triệu vé máy khứ hồi với mức giá 30 USD. Qua hình thức này cũng giúp được Thái Lan phục hồi du lịch mạnh mẽ.