|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Trung Quốc là đối tác đóng góp tích cực nhất vào tăng trưởng thương mại cả năm

20:00 | 19/12/2023
Chia sẻ
Tính chung 11 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là thị trường duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong hoạt động xuất khẩu.

Trong báo cáo vừa phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo xuất khẩu và nhập khẩu năm 2023 ước giảm lần lượt 5% và 10% so với cùng kỳ.

 


 

 

Các chuyên gia tại đây đánh giá tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tháng 11 cải thiện so với cùng kỳ tuy nhiên động lực tăng trưởng theo tháng không rõ ràng.

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11/2023 đạt 61,8 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ nhưng giảm 1,7% so với tháng trước. 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 31,1 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ và nhưng giảm 3,5% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 29,6 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ và tăng 0,2% so với tháng trước.

Xuất khẩu tăng trưởng nhiều hơn nhập khẩu do mức nền thấp của cùng kỳ, tuy nhiên sự cải thiện của nhập khẩu rất tương đồng với số liệu PMI công bố gần đây. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm về mức 47,3 điểm trong tháng 11, mức thấp nhất trong 5 tháng do đơn hàng mới và sản lượng đều giảm.

Theo Tổng cục Thống kê,  lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,3% so với cùng kỳ trong tháng 11, khá tương đồng với số liệu tăng trưởng xuất khẩu trong khi dữ liệu về tăng trưởng nhập khẩu và PMI là chỉ báo tương lai phản ánh tình trạng phục hồi chậm của nhu cầu.  

Báo cáo cũng cho biết sự phục hồi của khối FDI nhìn chung yếu hơn so với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Cùng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng âm lần lượt là 6,9% và 12,9% trong cùng kỳ năm ngoái đối với từng khu vực, khối FDI trong tháng 11/2023 chỉ có thể phục hồi chưa đến một nửa quy mô xuất khẩu đạt được vào năm đỉnh điểm (2021).

Trong khi đó, khối doanh nghiệp nội địa phục hồi tốt hơn và đã trở lại quy mô đã đạt được vào năm 2021.

Thặng dư thương mại của khối FDI đạt 43,9 tỷ USD, cao hơn 8,6% so với quy mô thặng dư của cả năm 2022. Trái lại, thâm hụt thương mại của khối trong nước là 18,3 tỷ USD, giảm 35,3% so với quy mô thâm hụt của năm trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, thặng dư thương mại đạt 25,9 tỷ USD, gấp 2,1 lần mức thặng dư thương mại của cả năm 2022, có đóng góp phần nhiều nhờ thâm hụt trong cán cân thương mại của khối doanh nghiệp trong nước giảm mạnh.

11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đạt lần lượt 322,6 tỷ USD và 296,8 tỷ USD, giảm lần lượt 5,7% và 10,5% so với cùng kỳ.

Thêm nhiều mặt hàng dứt chuỗi tăng trưởng âm

Trong tháng 11, xuất hiện thêm một số nhóm hàng chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm, bao gồm thuỷ sản, hoá chất, cao su và giày dép.

Đồng thời, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện tử tiếp tục tăng cao khoảng 13,6% so với cùng kỳ, tuy nhiên, quy mô này thấp hơn mức trung bình của 3 tháng gần nhất.

Nhóm hàng dệt may và túi xách vẫn chưa thoát khỏi chuỗi tăng trưởng âm, lần lượt giảm 6% và 1,1% so với cùng kỳ, không cải thiện so với tháng liền trước.

Số liệu bóc tách cho thấy có sự phân hoá trong mức độ hồi phục của nhu cầu, nhu cầu đối với một số mặt hàng điện tử (máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim) tốt hơn so với nhu cầu hàng dệt may, điện thoại.

Tính chung 11 tháng đầu năm, “ngôi sao” trong hoạt động xuất khẩu là các mặt hàng nông nghiệp gồm hàng rau quả (tăng 70,3% so với cùng kỳ), theo sau là mặt hàng gạo (tăng 34,1% và hạt điều (tăng 17,2%). Nhóm hàng công nghiệp, chế biến ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý của máy ảnh, máy quay phim (tăng 15,6%), phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 16,1%) và giấy (tăng 10,3%).

Trung Quốc là đối tác đóng góp tích cực nhất vào tăng trưởng thương mại cả năm

Trong tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu có sự cải thiện ở đa số các thị trường trừ Nhật Bản và Trung Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã duy trì được mức tăng trưởng dương khoảng 10% tháng thứ 2 liên tiếp, nhưng nổi bật hơn là xuất khẩu sang khối ASEAN đã có sự tăng tốc mạnh trong tháng qua (tăng 20,4% so với cùng kỳ).

Tính chung 11 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là thị trường duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong hoạt động xuất khẩu, thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất là Mỹ (giảm 13,2%).

 

Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của hai nhóm hàng có quy mô lớn của Việt Nam là dệt may và hàng điện tử tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 11/2023, dù mức độ cải thiện có khoảng cách lớn.

Cụ thể, nhập khẩu nguyên liệu dệt may tăng 3,7% so với cùng kỳ và 4,6% so với tháng trước. Trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu hàng điện tử được dẫn dắt bởi nhu cầu sản xuất máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tang 23,8% so với cùng kỳ nhưng giảm nhẹ 1% so với tháng trước.

Ngoài ra, do tác động của việc giảm giá dầu nên nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu đóng góp âm vào tăng trưởng nhập khẩu của cả tháng. Loại trừ nhóm này ra thì nhập khẩu tăng được 6,4% so với cùng kỳ và 2,2% so với tháng trước.

Theo thị trường nhập khẩu chính, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp trong khi nhu cầu nhập khẩu từ Hàn Quốc có cải thiện nhưng với tốc độ chậm hơn. Quy mô nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm 17,3% trong 11 tháng, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 8,4%.

 


 

Anh Đào